Cần 'soi lại' các tập đoàn kinh tế

TPO - Trong việc tái cấu trúc nền kinh tế thời gian tới cần soi lại các tập đoàn kinh tế Việt Nam đang đứng ở vị trí nào, quy mô ra sao, đang hướng vào thị trường trong nước hay nước ngoài - TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giá cả, Bộ Tài Chính nói.

>> Làm rõ vốn nhà nước thất thoát đi đâu ?
>> Hoạt động của các tập đoàn: Nhiều lỗ hổng cần lấp

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giá cả, Bộ Tài Chính .

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Việt Nam cần thay đổi hướng phát triển kinh tế của mình bằng cách giảm bớt việc phụ thuộc vào  thu hút FDI và xuất khẩu. Cũng có ý kiến Việt Nam có thể học mô hình của Hàn Quốc là phát triển kinh tế dựa trên nguồn lực từ các tập đoàn lớn. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Chúng ta không học được mô hình của Hàn Quốc. Định hướng xuất khẩu của mình không sai lầm, nhưng triển khai thì sai lầm. Hiện chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng lại phải nhập khẩu nguyên liệu cũng rất nhiều. Nếu xuất khẩu 62 tỷ USD mà nhập khẩu 50 tỷ USD thì tốt. Nhưng xuất khẩu 62 tỷ USD mà nhập khẩu 80 tỷ USD thì quá chán.

Nhóm thứ 2 là đầu tư. Có thể nói là hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước là kém nhất, sau đó đến ngoài nhà nước và FDI.

Theo tôi nếu bây giờ tăng hiệu quả đầu tư để phát triển thì vẫn cần tăng vào FDI bởi khu vực này tăng thì hiệu quả đầu tư cũng tăng. Nếu thay thế phát huy xuất khẩu bằng phát huy nội lực trong nước thì sẽ gặp phải vấn đề: Một là không thể khuyến khích phát triển ồ ạt doanh nghiệp nhỏ và vừa được.

Còn nếu bảo phát triển kinh tế dựa vào các tập đoàn lớn trong nước hiện nay thì khó. Có người khi leo lên vị trí nào đó họ phụng sự cho một nhóm quyền lợi chứ không phụng sự cho dân tộc vươn ra thế giới.

Vì vậy trong việc tái cấu trúc nền kinh tế thời gian tới cần soi lại các tập đoàn Việt Nam đang đứng ở vị trí nào, quy mô ra sao, đang hướng vào thị trường trong nước hay nước ngoài. Như Hàn Quốc họ hướng ra nước ngoài chứ không phải hướng vào thị trường trong nước như ở ta hiện nay.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu thời điểm này được đánh giá là không phù hợp. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam nên đi theo hướng nào? Về Tìm thị trường mới có hợp lý hay không?

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện bị lôi vào trạng thái, không xuất khẩu được nên quay lại thị trường nội địa. Mà để quay lại thị trường nội địa thì họ vướng lớn nhất là không hiểu thị trường nội địa, khó đáp ứng. Thứ hai là hệ thống phân phối của doanh nghiệp Việt Nam yếu.

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu chỉ là đại lý sản xuất, không phải là hệ thống phân phối dẫn đến việc bị trống chân trên thị trường phân phối. Vì vậy ngay cả việc sản xuất và phân phối như thế nào cho thị trường trong nước cũng là việc không dễ. Một số doanh nghiệp đi hai chân, vừa xuất khẩu vừa tập trung thị trường trong nước thì tình hình khá hơn. Còn đại đa số doanh nghiệp khác lúng túng.

Riêng về xuất khẩu, theo tôi để ý kỹ thì trong những tháng qua có khá nhiều mặt hàng mình xuất khẩu lượng tăng nhưng giá lại giảm. Trong chừng mực nào đó, điều này cho thấy doanh nghiệp bí trong chuyển hướng thị trường nên họ phải cạnh tranh bằng giảm giá.

Trong ngắn hạn thì chấp nhận được. Nhưng trong dài hạn thì doanh nghiệp không thể dựa vào việc giảm giá để mở rộng thị trường. Giá trị gia tăng trong phần xuất khẩu của chúng ta đã thấp rồi nay giảm nữa thì đúng là bất cập. Còn nếu giảm giá nhưng tăng giá trị gia tăng/sản phẩm thì lợi ích sẽ cao hơn.

Bản thân là doanh nghiệp Việt, đứng chân trên đất Việt Nam mà khi quay về thị trường nội địa còn lúng ta lúng túng thì khai thác thị trường mới là hết sức mâu thuẫn. Khai thác thị trường mới, đa dạng  hóa thị trường cần nằm trong chiến lược dài hạn. Tuy nhiên trong kinh doanh, thực ra khai thác theo chiều sâu thuận lợi hơn rất nhiều so với đi khai thác thị trường mới.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay nên đầu tư cho thị trường mới để nhận những cơ hội mới hay để dành đầu tư vào chính thị trường trong nước?

Bao giờ cũng vậy, khai thác thị trường mới cần thời gian, công sức tiền bạc. Vấn đề là cần quay lại xem cái gì là ngắn hạn và cái gì là dài hạn. Trước mắt không nên bàn việc khai thác thị trường mới, vẫn phải duy trì thị trường cũ. Chứ dồn sức khai thác thị trường mới theo tôi là thiếu căn cứ.

Vậy theo ông làm thế nào để giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm của doanh nghiệp tăng thêm?

Hàng Việt Nam có ba nhóm: Thứ nhất là nhóm công nghiệp nặng và khoáng sản. Quan niệm là khoáng sản bán càng đắt càng tốt, bởi khoáng sản mình đào lên, và đào là hết. Nhóm thứ hai là nông, lâm, thủy sản cũng cần bán càng đắt càng tốt bởi mình gần như làm từ đầu đến cuối. Nhóm này có điểm khác cần lưu ý là phải tăng phần trong nước làm hơn nữa.

Hiện nay phân bón, thuốc trừ sâu trên thị trường hầu hết là nhập ngoại. Như vậy là không được. Phải lựa khi thị trường được giá thì bán chứ không phải là làm ồ ạt như hiện nay. Khi rẻ thì bán tống bán tháo trong khi đắt thì lại không còn để mà bán.

Nhóm thứ ba là công nghiệp chế biến như da giày, dệt may, điện tử, đồ gỗ… Cần tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đồng thời phải tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Để làm được việc này thì nguyên nhiên liệu cần dựa vào nguồn trong nước và phát triển công nghiệp phụ trợ.

Việt Nam có lợi thế lao động trong khi ngành công nghiệp chế biến đòi hỏi hàm lượng chất xám vào sản phẩm rất thấp. Vì vậy cần tìm ra một vài sản phẩm mũi nhọn tận dung ưu thế Việt Nam mới gia tăng giá trị. Ví dụ dệt may, bây giờ cần xây dựng thương hiệu cho ngành dệt may giống như Gucci chứ cứ ngồi loay hoay gia công cho người nước ngoài để rồi họ mang bán ở chính ngay trong nước thì thì rõ ràng phần lợi nhuận lớn nhất thì người ta hớt hết.

Về chiến lược dài hạn, khi xuất khẩu hàng thô hay hàng chế biến thì doanh nghiệp cần xây dựng được mạng lưới phân phối. Ở các nước phát triển, hệ thống phân phối thu lợi nhuận cực lớn.

Cảm ơn ông !

Phạm Tuyên
Thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?