Ba lần tưởng chết rồi sống lại
Anh Thư là con út của gia đình có 2 chị em. Chị gái của Anh Thư là Lê Thị Lan Anh (SN 2007), hiện đang học lớp 8B, Trường THCS Vĩnh Quang. Không may mắn như các bạn khác, lúc Anh Thư được 3 tuổi, mẹ của Anh Thư rời bỏ ra đình đến nay không trở về. Bố của Anh Thư là anh Lê Văn Hùng (SN 1982), dù mang trong mình bệnh tật, sức khoẻ không tốt, nhưng cũng bôn ba làm thuê ở phương xa để tích cóp tiền tự điều trị bệnh cho mình và lo cho hai đứa con.
Không có bố, mẹ bên cạnh, chị em Anh Thư ở với bà nội là Phạm Thị Quy (78 tuổi) ở thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc suốt những năm tháng qua.
Bà Quy kể, từ khi sinh ra, Anh Thư mang trong cơ thể mình tình trạng hiếm gặp đó là tim nằm bên phải và thiếu một lá phổi bên trái. Có lẽ vì điều này nên Anh Thư luôn trong tình trạng bị đau bụng, khó thở, buồn nôn. Hồi đó, khi Anh Thư khoảng chừng 3-4 tuổi, do sức khoẻ yếu, cháu bị ốm liên miên. Có 3 lần cháu bị ốm, thoi thóp thở, cơ sở y tế trả về để lo hậu sự. Tuy nhiên, khi mọi người đang chuẩn bị hậu sự cho cháu thì nhịp thở của cháu lại mạnh trở lại”. Cứ thế, qua năm tháng, Anh Thư cùng chị lớn dần trong nỗi khó khăn, nhọc nhằn, thiếu thốn cùng bà nội.
Bà Quy sinh được 3 người con, chị gái và anh trai của bố Anh Thư đều có gia đình riêng. Mặc dù các bác đều sinh sống ở khu vực lân cận, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, người làm thợ xây, người làm nông nghiệp, nên cũng không hỗ trợ được nhiều cho ba bà cháu.
"Do bố nó cũng bị bệnh, nên tiền đi làm thuê cũng chỉ đủ chi phí điều trị bệnh, thỉnh thoảng cũng có gửi được vài trăm nghìn đến một triệu đồng về lo cho 2 đứa" - Bà Quy cho biết thêm.
Mong lớn lên, khoẻ mạnh để chăm lo cho bà
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Anh Thư nói, con mong được khoẻ mạnh bình thường, lớn lên có thể chăm lo được cho bà.
Do không có điều kiện về người chăm sóc và chi phí, nên mỗi lần Anh Thư lên cơn đau, được người nhà đưa đến Bệnh viện tuyến huyện khám điều trị, hoặc xin thuốc rồi về nhà tự uống.
“Mọi người thấy tình trạng bệnh của Anh Thư nên khuyên gia đình đưa cháu đi khám tuyến trên, nhưng gia đình khó khăn, cũng không có điều kiện để đưa đi thăm khám thường xuyên ở các bệnh viện tuyến trên. Có lần, có người hỗ trợ kinh phí, Anh Thư được đưa đi khám tại Bệnh viên Nhi Trung ương, nhưng các bác sĩ nói, tình trạng bệnh của Anh Thư hiện chưa thể can thiệp được gì” - Bà Quy kể.
Đau đớn thường xuyên như vậy, nhưng Anh Thư vẫn rất tự tin, Anh Thư nói: Con không muốn nghỉ học, khi nào đau quá thì con nghỉ và học bài ở nhà. Con muốn được khoẻ mạnh, để sau này lớn lên có thể làm việc, chăm lo cho bà.
Mỗi lần lên cơn đau, Anh Thư lại co gối, 2 tay ôm chặt bụng, hai môi mím chặt chịu đựng. “Mỗi khi ở bệnh viện phải truyền dịch, trong cơn đau, có khi con véo vào người chị ngồi bên cạnh hoặc tự ngậm vào tay còn lại để có thể vượt qua những lúc đau đớn.
Kể về trường hợp cô học trò đặc biệt này, thầy Phạm Minh Khôi, chủ nhiệm lớp 5A, Trường tiểu học Vĩnh Quang cho biết: “Mặc dù bị sức khoẻ yếu, bị bệnh hiếm gặp từ lúc sinh ra, thế nhưng Lê Thị Anh Thư lại rất ham học. Từ năm học lớp 4 đến nay, tình trạng đau bụng, khó thở, buồn nôn của Anh Thư diễn ra thường xuyên. Do vậy, các bạn trong lớp và các thầy cô giáo thường hỗ trợ bù bài cho Anh Thư. Vào các dịp lễ, Tết, Ban giám hiệu Nhà trường, lớp học cũng có những món quà để động viên Anh Thư”.
Anh Phạm Duy Bình, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Quang cho biết: Gia đình em Anh Thư vừa là hộ nghèo, vừa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do đó, ngoài những chính sách hỗ trợ theo quy định của nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của ba bà cháu. Cán bộ Đoàn, cũng thường xuyên đến thăm gia đình, động viên, trò chuyện với 2 chị em Anh Thư và bà Quý.
Tuy nhiên, do điều kiện gia đình Thư quá khó khăn, tình trạng sức khoẻ của em Thư cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ của cá nhân, đơn vị để tiếp thêm sức mạnh cho ba bà cháu vượt qua khó khăn.
“Tôi cũng chẳng biết hiện giờ trong người Anh Thư có bao nhiêu loại bệnh. Tôi mong lắm, sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn về y tế hỗ trợ thăm khám, có hướng điều trị cho Anh Thư để Anh Thư có thể giảm đi những cơn đau, sinh hoạt bình thường. Chứ tôi tuổi này rồi, chẳng biết khi tôi không còn nữa, hai chị em chúng nó sẽ thế nào!”- Bà Quy nghẹn ngào nói.
Thông tin liên hệ thăm hỏi, động viên gia đình em Anh Thư: Bà Phạm Thị Quy (bà nội của Anh Thư), thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, điện thoại: 0349169693. Ông Phạm Xuân Ái, chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc xã Vĩnh Quang (điện thoại: 0977.828.330). Phạm Duy Bình, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Quang (điện thoại: 0868.581.989)
* ỦNG HỘ XIN CHUYỂN VÀO:
- TÀI KHOẢN công tác xã hội của báo Tiền Phong số: 1231.0000.062175, tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội, ghi nội dung chuyển khoản: “ung ho gia dinh be Le Thi Anh Thu”.
* HOẶC LIÊN HỆ: Ban Bạn đọc và công tác xã hội, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, HN; điện thoại: 0977456112