Cần khẩn cấp giải quyết tranh chấp biển Đông

TP - Cần khẩn cấp giải quyết tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên trên biển Đông một cách hòa bình, vì xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đang đẩy chi phí hàng hải lên cao và tăng nguy cơ mất kiểm soát, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói hôm qua.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại cuộc họp giữa Mỹ và Indonesia ngày 24-7 Ảnh: AP

> ASEAN - Mỹ tăng cường hợp tác
> “Biển Trung Hoa” là nhầm lẫn tai hại của phương Tây

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại cuộc họp giữa Mỹ và Indonesia ngày 24-7. Ảnh: AP.
 

Phát biểu với các phóng viên tại Indonesia, bà Clinton nói rằng, cộng đồng quốc tế luôn quan tâm việc kết thúc những xung đột trên biển Đông vì chúng đe dọa sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi thúc giục ASEAN hành động nhanh chóng. Tôi thậm chí dùng từ “khẩn cấp”. Cần thông qua bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Bộ quy tắc này sẽ giúp phòng tránh những vấn đề phát sinh trên các tuyến đường biển quan trọng cũng như lãnh hải ở biển Đông”, Ngoại trưởng
Mỹ nói.

Bà Clinton cho rằng, những trường hợp gây hấn ngày càng gia tăng như cắt cáp tàu thăm dò, đâm vào tàu cá… khiến căng thẳng leo thang và gia tăng “chi phí kinh doanh cho bất kỳ ai đi qua biển Đông”. Vì vậy, “ủng hộ tự do hàng hải và thương mại là điều quan trọng đối với chúng ta”, bà nói.

Cuối tuần qua, Trung quốc và ASEAN thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tiến thêm một bước trên con đường đến đích COC. Tuy nhiên, việc hoàn tất COC gặp nhiều khó khăn vì Trung Quốc nhiều năm qua luôn từ chối cơ chế chính thức này. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông thông qua cơ chế song phương vì có lợi thế về quy mô và sức mạnh, theo nhiều nhà ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thúc giục các bên kiềm chế và tuân thủ luật quốc tế. Bà nói rằng, các nước có yêu cầu về chủ quyền trên biển Đông nên hoàn tất bộ tài liệu về yêu cầu của họ phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. “Chúng tôi nghĩ rằng, cần một nỗ lực được phối hợp tốt để hoàn tất COC, đồng thời cần kêu gọi cộng đồng quốc tế làm rõ những yêu cầu về chủ quyền”, bà nói.

Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2011, không có yêu cầu về chủ quyền trên biển Đông, nhưng Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói rằng, nước ông hiểu tầm quan trọng đặc biệt của việc đẩy mạnh tiến trình giải quyết vấn đề tranh chấp.

Ngoại trưởng Indonesia nói rằng, ông hy vọng tiến trình về COC sẽ có bước tiến vượt bậc trước tháng 11 tới, khi nước ông đăng cai Hội nghị Cấp cao Đông Á với sự hiện diện của các lãnh đạo khu vực và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Minh Long
Theo AP, Reuters

Theo Báo giấy