Cận cảnh những dự án 'băm nát' bán đảo Sơn Trà bị bỏ hoang

TPO - Tại bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hiện rất nhiều dự án vi phạm các quy định của pháp luật bị bỏ hoang nhiều năm nay. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ có 16/18 dự án chưa có ý kiến Bộ Quốc phòng và nhiều dự án giá đất được xác định chỉ căn cứ ý kiến của lãnh đạo thành phố.  

Video - Dự án bỏ hoang ở bán đảo Sơn Trà. Thực hiện: Nguyễn Thành


Thanh tra Chính phủ  chính thức công bố thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà. Qua thanh tra thấy trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư tại bán đảo Sơn Trà đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Ảnh: Nguyễn Thành
Một dự án bỏ hoang nhiều năm nay nằm ở núi Sơn Trà. Từ năm 2003 đến năm 2013, TP Đà Nẵng đã phê duyệt, chấp thuận giao Chủ đầu tư 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích khoảng 1.222,5 ha, quy mô lưu trú 1.920 biệt thự, 24 Bungalow và 306 buồng khách sạn (quy đổi tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn). Ảnh: Nguyễn Thành
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt với diện tích 1.056 ha. Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng đã chấp thuận, phê duyệt giao Chủ đầu tư dự án với diện tích đất khoảng 1.222,5 ha, vượt so với quy hoạch được duyệt 166,5 ha. Ảnh: Nguyễn Thành
Đáng chú ý, trong tổng số 18 dự án trên bán đảo Sơn Trà được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, chấp thuận có 9 dự án có một phần diện tích là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 163,32 ha nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Thành
Một góc dự án bỏ hoảng ở khu vực bãi Nam. Ảnh: Nguyễn Thành
Trong 18 dự án, 2 dự án UBND TP Đà Nẵng có văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhưng chỉ có 1 dự án Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất, 1 dự án chưa có văn bản trả lời nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án. Ảnh: Nguyễn Thành
Cây dây leo mọc um tùm, phủ kín một công trình xây dựng dang dở ở một dự án ở Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Thành
Có 16 dự án, UBND TP Đà Nẵng chưa có văn bản lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, sau đó TP  không tổ chức rà soát để xử lý vi phạm. “Qua rà soát, báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, bước đầu xác định có 7 dự án được giao đất, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ. Ảnh: Nguyễn Thành
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng đã không thẩm định về nhu cầu sử dụng đất đối với 4 dự án gồm Khu du lịch, dịch vụ ven biển và dịch vụ sinh thái cao cấp Hồ Xanh; Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa – Mũi Nghê; Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy hải sản; Khu biệt thự Suối Đá. Ảnh: Nguyễn Thành
Một góc dự án khác bị bỏ hoang ở Sơn Trà. Ảnh Nguyễn Thành
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, UBND TP có thẩm định nhưng không đầy đủ trình tự, thủ tục, vi phạm quy định pháp luật đối với các Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc và Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn – Bãi Đa. Ảnh: Nguyễn Thành
Trong ảnh, một công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng ở bán đảo Sơn Trà. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP đã giao đất cho cá nhân ( chủ đầu tư) tại 3 dự án (Khu du lịch sinh thái Bãi Trẹm; Khu du lịch biển Đông mở rộng; Khu du lịch Bãi Rạng) là không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. Đến thời điểm thanh tra, UBND TP Đà Nẵng đã thu hồi dự án Khu du lịch Bãi Rạng, giao Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố quản lý.
Hiện tại bán đảo Sơn Trà nhiều nhà hàng, quán ăn mọc lên nhiều. Thanh tra Chính phủ xác định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư để thực hiện 5 dự án trên Bán đảo Sơn Trà với thời hạn sử dụng đất lâu dài, vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2003.
Một dự án vây tường rao, giữ đất ở Sơn Trà. Tuy nhiên, sau nhiều năm chưa thấy triển khai.  Thanh tra Chính phủ đề nghị TP Đà Nẵng cũng phải kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án, diện tích đất không đủ điều kiện, có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng..., đặc biệt là diện tích 364,81 ha đất của 4 dự án và một phần diện tích của 10 dự án có vi phạm phải được rà soát để xử lý.
Công trình bỏ hoang nhiều năm. Chính quyền Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 3 dự án chưa phù hợp với diện tích quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt; chưa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, hoặc phê duyệt sau khi Chủ đầu tư đã khởi công xây dựng.
Chính quyền Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi Chủ đầu tư chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung; cho Chủ đầu tư hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất từ năm 2004-2015 không đúng đối tượng; thực hiện chưa đầy đủ thủ tục thẩm tra để cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Nguyễn Thành
UBND TP Đà Nẵng cũng không ban hành giá đất tại bán đảo Sơn Trà dẫn đến việc xác định tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất gặp nhiều khó khăn; chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định về xác định giá đất; không lấy ý kiến hoặc không xem xét ý kiến của các sở ban, ngành mà chỉ căn cứ ý kiến của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch TP tại các cuộc họp.
Dự án Khu biệt thự Suối Đá. Thanh tra Chính phủ chỉ ra, UBND TP Đà Nẵng giao đất, cho thuê đất đối với Lô L09 (khoanh tròn) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với dự án này, làm giảm tiền sử dụng đất 11.272,5 triệu đồng, có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Lô L09 tại bán đảo Sơn Trà có nhiều sai phạm. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. TP Đà Nẵng cũng phải kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án, diện tích đất không đủ điều kiện, có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng...