Cận cảnh máy bay, tàu chiến tìm phi cơ AirAsia mất tích

Khu trục hạm USS Sampson (DDG 102) là phương tiện quân sự mới nhất tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích trên biển Java.

Chiến dịch tìm kiếm máy bay Airbus A320 mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích, có sự góp mặt của Không quân - Hải quân Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Úc, Mỹ.

Tính tới thời điểm này, máy bay Airbus A320 mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không Air Asia mất tích vào ngày hôm qua (28/12) vẫn bặt vô âm tín. Các nước liên quan đã bắt đầu triển khai đội tàu chiến máy bay, hùng hậu mở chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn với ơhạm vi ngày 29/12 sẽ tập trung vào các vùng biển quanh các hòn đảo Bangka và Belitung trên biển Java, chạy dọc từ Kalimantan trên đảo Borneo.

Ngay từ ngày hôm qua, Không quân Singapore đã điều động các máy bay vận tải cỡ lớn C-130H bay tìm kiếm máy bay Airbus A320 QZ8501 của Air Asia. C-130 được trang bị tới 4 động cơ cánh quạt cho tầm bay tới 3.800km phù hợp với việc tìm kiếm trên vùng rộng, xa trong thời gian dài. Điều này là rất quan trọng trong cứu hộ cứu nạn nếu máy bay rơi xuống biển, và hành khách có thể thoát được ra ngoài đang trôi dạt.

Ngoài Singapore thì Không quân Indonesia và cả Malaysia cũng đã điều những chiếc C-130 tương tự để tìm kiếm máy bay Air Asia.

Bên cạnh đó, cũng trong hôm qua, Không quân Indonesia đã điều thêm cả máy bay trinh sát biển CN235 MPA được trang bị nhiều khí tài trinh sát/tìm kiếm mặt biển hiện đại để tìm kiếm. CN-235 cũng là máy bay phù hợp cho công tác cứu hộ cứu nạn khi mà tầm bay đạt tới hơn 4.000km, như vậy cho khả năng quần đảo trên khu vực rộng lớn.

Trong ảnh, hai sĩ quan chỉ huy chiến thuật (TACCO) đang trao đổi trong khoang máy bay CN235 tham gia tìm kiếm máy bay số hiệu QZ 8501 của Air Asia.

Đặc biệt, Không quân Hoàng gia Australia cũng đã chính thức triển khai máy bay tuần tra săn ngầm AP-3C Orion tham gia tìm kiếm máy bay Air Asia. Đây là loại máy bay được thiết kế để đảm trách các nhiệm vụ tác chiến trên biển. Nó được trang bị hàng loạt khí tài hiện đại (radar, cảm biến) có thể phát hiện vật thể cả trên và dưới mặt nước.

Về lực lượng trên mặt nước, Hải quân Singapore đã điều ít nhất 2 tàu chiến và có thể thêm 1-2 tàu nữa tham gia chiến dịch tìm kiếm. Cụ thể, nước này đã triển khai tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất Đông Nam Á RSS Supreme có lượng giãn nước hơn 3.000 tấn.

Trên tàu này mang được trực thăng cứu nạn/săn ngầm SH-60 Black Hawk sẽ rất thuận lợi để tìm kiếm ở tầm thấp, cứu nạn nhanh nếu phát hiện hành khách trôi dạt trên biển.

Ngoài RSS Supreme, tàu tên lửa tấn công nhanh RSS Valou thuộc lớp Victory, có lượng giãn nước 595 tấn, tốc độ cực đại lên tới 37 hải lý/h. Trên tàu được trang bị nhiều khí tài trinh sát mặt nước hiện đại, đặc biệt tàu còn có một UAV hoạt động liên tục được 24 tiếng đồng hồ.

Một tàu đổ bộ tăng cỡ lớn thuộc lớp Endurance có lượng giãn nước hơn 8.000 tấn của Hải quân Singpore cũng đã sẵn sàng tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay Airbus A320 của Air Asia mất tích.

Loại tàu đổ bộ lớn này có thể chở nhiều tàu xuồng các loại, 2-3 trực thăng vận tải/chống ngầm cỡ lớn.

Về phía Hải quân Malaysia, nước này đã triển khai 3 tàu chiến gồm: KD Lekiu, KD Lekir và KD Pahang chở theo các máy bay trực thăng tới khu vực tìm kiếm. Trong ảnh là chiếc KD Lekiu sẽ được điều động tới vùng biển máy bay gặp nạn để tìm kiếm.

Tàu tuần tra biển cỡ lớn KD Pahang – loại tàu chuyên nhiệm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển.

Các tàu của Hải quân Malaysia đều sẽ chở theo trực thăng Fenec để hỗ trợ tìm kiếm từ trên không. Nó được trang bị một động cơ Turbomeca Arriel 2B cho tầm bay tới 648km, tốc độ tối đa 246km/h.

Khu trục hạm USS Sampson (DDG 102) của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ.

Theo Theo Kiến Thức