Trong trang bị của những tàu chiến hiện đại ngày nay, việc trang bị các hệ thống tên lửa phòng không trên tàu là thực sự rất cần thiết để bảo vệ tàu và các tàu khác khỏi những mối đe dọa từ các tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay chiến thuật… Đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới tự phát triển các hệ thống tên lửa phòng không trên tàu chiến cho riêng mình, trong đó có Mỹ.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung RIM-66A Standard (SM-1MR) được phát triển cho tàu chiến Mỹ để thay thế cho RIM-24 Tartar. Được đưa vào trang bị trong Hải quân Mỹ năm 1967. Tên lửa đạt tầm bắn lên tới 170km, trần bắn 24km, dẫn đường bằng radar bán chủ động.
RIM-66C Standard (SM-2MR) được phát triển vào những năm 1970 và là một phần quan trọng của hệ thống chiến đấu Aegis trên các tàu chiến Mỹ. SM-2MR cải tiến hơn so với SM-1MR ở khả năng điều khiển và dẫn đường quán tính pha giữa. Chế độ lái tự động của tên lửa được lập trình để chọn đường bay hiệu quả nhất đến mục tiêu và có thể nhận được sự điều chỉnh từ mặt đất. Tên lửa đạt tầm bắn 170km, trần bắn 24km, trang bị cơ chế dẫn đường: Điều khiển và dẫn đường quán tính pha giữa kết hợp dẫn đường bằng radar bán chủ động (SM-2MR Block IIIB sử dụng đầu dẫn bằng hồng ngoại).
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa RIM-67A Standard (SM-1ER) được phát triển cho Hải quân Mỹ để thay thế cho RIM-8 Talos, đưa vào trang bị trong Hải quân Mỹ năm 1970. Tên lửa đạt tầm bắn 185km, trần bắn 24km, dẫn đường bằng quán tính kết hợp radar bán chủ động.
RIM-67B Standard (SM-2ER) được phát triển vào những năm 1981 và là một phần quan trọng của hệ thống chiến đấu Aegis. SM-2ER cải tiến hơn so với SM-1ER ở khả năng điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay. Chế độ lái tự động của tên lửa được lập trình để chọn đường bay hiệu quả nhất đến mục tiêu và có thể nhận được sự điều chỉnh từ mặt đất. SM-2ER đạt tầm bắn 185km, trần bay 24km, dùng kiểu điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay kết hợp dẫn đường bằng radar bán chủ động.
RIM-156A Standard (SM-2ER Block IV) là phiên bản cải tiến của RIM-67B Standard (SM-2ER), sử dụng động cơ đẩy Mk 72 có vòi phụt chỉnh hướng vector (TVC) và dùng đầu nổ xác định mục tiêu Mk 45 Mod 8. Có khả năng tác chiến tốt trong môi trường nhiễu nặng. Tên lửa đạt tầm bắn 185km, trần bay 24km, kiểu điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay kết hợp dẫn đường bằng radar bán chủ động.
RIM-161 Standard (SM-3) là hệ thống tên lửa phòng không 3 tầng đánh chặn tên lửa đạn đạo và chống vệ tinh ở quỹ đạo thấp, thuộc hệ thống chiến đấu Aegis. Tên lửa đạt tầm bắn 700-2.500km, trần bay 500-1.500km với tốc độ bay tối đa 3km/s. Cơ chế dẫn đường: Điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay kết hợp dẫn đường bằng đầu dò hồng ngoại và định vị GPS. Kiểu đầu đạn: đầu đạn động năng.
RIM-174 hoặc còn gọi là Standard Missile 6 (SM-6) là tên lửa phòng không mới nhất của Hải quân Mỹ. Nó được thiết kế để mở rộng phạm vi tác chiến chống mục tiêu trên không, chống lại máy bay cánh bằng, trực thăng, UAV và tên lửa hành trình. Tên lửa sử dụng khung thân của SM-2ER Block IV, nhưng sử dụng radar chủ động của AIM-120C AMRAAM. Điều này sẽ cải thiện khả năng của tên lửa chống lại các mục tiêu cơ động và mục tiêu vượt ra ngoài phạm vi hiệu quả của hệ thống radar chiếu xạ của các tàu chiến. Tên lửa đạt tầm bắn 460km, trần bay 34km với cơ chế dẫn đường: Điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay kết hợp dẫn đường bằng radar chủ động.
RIM-7 Sea Sparrow là một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn của Hải quân Mỹ. Nó được phát triển vào đầu những năm 1960 từ tên lửa không-đối-không AIM-7 Sparrow như một vũ khí “bảo vệ điểm” có thể được trang bị thêm cho tàu chiến. 50 năm kể từ lần đầu tiên trang bị trong Hải quân Mỹ, RIM-7 Sea Sparrow vẫn là một phần quan trọng của một hệ thống phòng không nhiều tầng, cung cấp khả năng phòng không tầm ngắn/ tầm trung đặc biệt hữu ích cho tàu chiến. RIM-7 đạt tầm bắn 19km, tốc độ bay 4.256km/h, dùng cơ chế dẫn đường bằng radar bán chủ động.
RIM-162 Evolved SeaSparrow Missile (ESSM) là một phiên bản cải tiến của RIM-7 Sea Sparrow, được dùng để bảo vệ các tàu chiến khỏi tên lửa chống hạm siêu âm cơ động như Yakhont, 3M54E Klub của Nga. ESSM được phóng từ bệ phóng thẳng đứng Mk 41 với 1 ống phóng Mk 41 cho phép chứa đến 4 tên lửa ESSM. Tầm bắn: 50km. Tốc độ bay tối đa: Mach 4. Cơ chế dẫn đường: Điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay kết hợp dẫn đường bằng radar bán chủ động. Kiểu đầu đạn: nổ mạnh phá mảnh.
RIM-116 Rolling Airframe Missile (RAM) là một tên lửa đánh chặn tầm ngắn, dẫn đường bằng hồng ngoại. Nó được sử dụng chủ yếu như là một vũ khí bảo vệ chống lại các tên lửa hành trình chống hạm. Các tên lửa được đặt tên như vậy bởi vì thân của nó quay tròn theo trục dọc để ổn định đường bay, giống như một viên đạn bắn ra từ nòng súng. Đây là tên lửa duy nhất của Hải quân Mỹ hoạt động theo cách này. RIM-116 đạt tầm bắn 9km với cơ chế dẫn đường đa dạng 3 chế độ hoạt động gồm: dẫn đường bằng radio thụ động/hồng ngoại, hồng ngoại hoặc chế độ kép hồng ngoại và tần số vô tuyến điện.