Cận cảnh báu vật triều Nguyễn

TPO - Sáng 9-10, tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam, diễn ra lễ khai trương triển lãm Bảo vật hoàng cung. Đây là lần thứ hai kể từ năm 1961,  những bảo vật đại diện cho uy quyền của bậc vua chúa triều  Nguyễn ra mắt công chúng.

Đây không phải là lần đầu tiên các bảo vật triều Nguyễn được trưng bày tại Hà Nội. Cách đây gần 50 năm, nhân dịp Quốc khánh 2-9 (năm 1961), một số ít trong số các bảo vật này đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, khoảng thời gian gần 50 năm từ đó tới nay là quá lâu đối với sự tò mò, háo hức của công chúng Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Như Nguyễn Phương Linh (sinh viên Đại học Hà Nội), đa phần những thế hệ hậu sinh chỉ được biết tới những bảo vật này qua sách vở lẫn những câu chuyện đậm màu sắc kỳ bí cho hay “Đây là lần đầu tiên em được tận mắt được xem một trong số những vật dụng được dùng cho sinh hoạt nơi cung cấm; cũng như biểu trưng cho quyền lực của vua chúa…”

Trong không gian của triển lãm, 13 bảo vật có chất liệu chính bằng vàng khối và ngọc quý, được chọn ra từ hàng trăm bảo vật vương triều Nguyễn đang lưu giữ tại bảo tàng, đã được trưng bày thu hút hàng trăm người tới chiêm ngưỡng như: ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, đồ ngự dụng bằng vàng ngọc…

Đây là những bảo vật vô giá, có giá trị lịch sử, văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, đồng thời, phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân Cung đình qua từng thời đại.

 

 Ba chiếc kim ấn bảo tỷ của vương triều Nguyễn với sự chuyển giao qua những triều đại khác nhau

Ngoài chiếc ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, 2 chiếc ấn còn lại đều bằng vàng ròng, được đúc vào tháng 10 năm Minh Mạng 8 (1827). Trong đó, chiếc kim ấn “Sắc mệnh chi bảo” nặng 8,5 kg, gồm hai cấp, có hình vuông, trên ấn có hình rồng đầu hướng lên cao với 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán: “Thập tuế hoàng kim nhị bách nhị thập tam lạng lục tiền; Minh Mạng bát niên thập nguyệt cát nhật tạo”. (Vàng 10 tuổi nặng 223 lạng 6 tiền - đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8, 1827).

Chiếc kim ấn còn lại có tên là “Hoàng đế tôn thân chi bảo” có kích thước to hơn, nặng 8,7 kg, khắc chữ: “Thập bát kim, trọng nhị bách tam thập tứ lạng tứ tiền tam phân; Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo” (Nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân, khoảng 8,7 kg) đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8, năm 1827). 

   

 Ấn ngọc “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” (mặt trên và mặt chữ)

Thu hút sự quan tâm của khách thăm quan nhất là đôi kiếm Kiếm vàng triều Nguyễn đúc vào TK 19, nặng 1,25 kg. Một biểu tượng cho uy quyền của nhà vua.

 

Chiếc kiếm vàng 'An dân bảo kiếm' có trọng lượng 0,58 kg

 

Bộ ấm chén  ngọc có bọc vàng, trọng lượng 776 Gr

 

 Chậu vàng, đúc năm Duy Tân thứ 5 (1911). Trọng lượng 1400 Gr

 

Đài thờ làm bằng vàng và ngọc, nặng 4300 Gr

 

chiếc mũ bình thiên bằng vàng khối, chế tác trong thế kỷ 19,  trọng lượng 720 Gr.

 

 Mũ vàng của hoàng hậu, trọng lượng 660 Gr.

 

 Những dòng chữ tuyệt đẹp trong sách vàng, đúc năm Gia Long thứ 5 (1806). Trọng lượng 2100 Gr.

 

Người dân thích thú với những báu vật

Trong thời gian tới, khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoàn thành, toàn bộ kho bảo vật này sẽ được trưng bày phục vụ công chúng.