Cần bổ sung quy định về cơ quan bảo hiến

TP - Đây là một trong những vấn đề được các học giả đặt ra tại Hội thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hà Nội, hôm qua 7-12.

> Họp BCĐ tổng kết thi hành Hiến pháp 1992
> Kiểm soát quyền lực phải là tư tưởng xuyên suốt

Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm VPQH) nhấn mạnh, Hiến pháp sửa đổi phải tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên Đảng lãnh đạo như thế nào thì trước hết thể hiện trong Điều lệ của Đảng và cần phân định cụ thể, tránh dẫn đến chồng chéo, lấn quyền.

Theo TS Vũ Văn Nhiêm (ĐH Luật TPHCM), khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết, nhưng phải minh định vai trò lãnh đạo đó.

Giám sát quyền lực nhà nước

Nguyên Chủ nhiệm UBPL TS Nguyễn Đức Khiển đề nghị bổ sung quy định “Kiểm soát quyền lực Nhà nước” tại điều 2 Hiến pháp 1992. Đây là một nội dung bổ sung rất quan trọng đã được Đảng ta khẳng định.Theo đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

“Một khi đã có sự phân công các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì phải có sự kiểm soát các cơ quan thực hiện những quyền lực đó, mới bảo đảm được quyền lực nhà nước là thống nhất, mới tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền và bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ” - TS Khiển phân tích.

Các học giả cũng cho rằng, do quyền lực nhà nước chính là quyền lực của nhân dân trao cho, cần có cơ chế để nhân dân kiểm soát, thực hiện quyền lực của mình thông qua các cơ quan nhà nước, chứ không chỉ là cơ quan dân cử.

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp

Đề cập đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Sơn (ĐHQG Hà Nội) nhắc lại sự kiện năm 2003, UBNDTP Hà Nội khởi xướng chính sách “một người một xe máy”, cùng năm đó Bộ Công an ra Thông tư áp dụng chính sách này trên toàn quốc. Năm 2005, vấn đề trở nên liên quan đến Hiến pháp khi một số định chế có vai trò giám sát Hiến pháp vào cuộc.

Kết quả, cuối tháng 11-2005, Bộ CA đã phải hủy bỏ quy định này một ngày trước khi Bộ Tư pháp báo cáo vấn đề này với Quốc hội. Đây có lẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam, Hiến pháp được viện dẫn thành công trong việc bảo vệ các quyền căn bản.

TS Vũ Đức Khiển đề nghị, cần bổ sung vào Hiến pháp qui định về cơ quan bảo hiến nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Theo Báo giấy