Sáng 9/12, trong ngày làm việc cuối cùng, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Toàn Thắng là người đăng đàn đầu tiên.
Đề cập đến tình trạng ô nhiễm không khí, đại biểu Trần Quang Thắng chất vấn: TPHCM có 4 trạm quan trắc tự động là để khảo sát một số khu vực hay cả thành phố?
Theo đại biểu Lê Minh Đức, người dân rất hồ hởi vì TPHCM đang đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ nhận hồ sơ rồi nhắn tin hẹn tới hẹn lui không giải quyết. Có trường hợp người dân nhận được 4 tin nhắn, mỗi lần kéo dài 15 ngày.
Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận những vấn đề đại biểu chất vấn được các cử tri rất quan tâm.
Về quan trắc môi trường, giám đốc Sở TN&MT cho biết hiện nay TPHCM nhận diện và đánh giá chính xác các chỉ số ô nhiễm. TPHCM có 327 điểm đặt các trạm quan trắc thủ công. Đầu tư các trạm quan trắc tự động đang được UBND TPHCM ghi vốn. Trong tháng 12, TPHCM đưa vào vận hành thử 6/58 trạm quan trắc tự động trên tất cả lĩnh vực như nước, không khí, lún…
“Người dân có thể căn cứ vào các biển báo điện tử để đánh giá chất lượng môi trường. Cử tri đặt ra trạm tự động ít nên thời gian có kết quả chậm. Không phải vì không có trạm tự động mà không quan trắc chính xác. Chúng ta không buông lỏng.
Như tình trạng mù do khí thải, hoạt động công nghiệp, bụi mịn, chúng ta đưa ra cảnh báo và có giải pháp. Về ô nhiễm do phương tiện giao thông thì phối hợp với Sở GTVT có giải pháp kiểm soát khí thải ô tô. Hiện TPHCM có 800 nghìn ô tô, 8 triệu xe máy”, ông Thắng cho biết.
Về di dời ô nhiễm, giám đốc Sở TNMT cho hay TPHCM không chỉ di dời doanh nghiệp (DN) ô nhiễm mà cả những DN không phù hợp quy hoạch. Từ năm 2003 UBND TPHCM đã ban hành quyết định di dời hơn 100 DN. Hiện nay còn 5 DN còn hoạt động tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12).
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TPHCM vừa qua tiến hành kiểm tra 190 cơ sở sản xuất thì có 70 cơ sở vi phạm về vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải. TPHCM không chấp nhận DN có hệ thống mà không xử lý, sắp tới nếu không vận hành thì sẽ đình chỉ hoạt động chứ không phải chỉ phạt tiền.
“Tôi nhận thấy vừa qua có hạn chế như xử lý chậm, chưa đến nơi đến chốn”, ông Thắng nhận trách nhiệm.
Về cấp giấy chứng nhận nhà đất, giám đốc Sở TN&MT cho biết trong giai đoạn 2016 – 2018, TPHCM đã cấp 1,6 triệu giấy, so với kỳ họp thứ 12 (là kỳ họp giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn) thì có thêm 27.000 trường hợp được cấp giấy chứng nhận. Toàn thành phố hiện còn khoảng 15.000 trường hợp chưa được cấp giấy do vi phạm như xây dựng sai phép, tranh chấp khiếu nại,..
Về công khai minh bạch thủ tục, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay Sở TN&MT đã công bố 120 thủ tục về đất đai, môi trường và còn 50 thủ tục đang trình UBND TPHCM.
“Hiện nay, ngành TN&MT có hệ thống một cửa về đất đai. Người dân có thể vào tra cứu. Về việc cán bộ nhũng nhiễu, tôi nhận trách nhiệm. Từ khi chuyển việc cấp giấy chứng nhận về Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN&MT phải rà soát 1200 cán bộ về năng lực, trình độ để sắp xếp lại. Chúng tôi đã sắp xếp lại 200 trường hợp. Đúng là có chuyện quá trình tiếp nhận hồ sơ, anh em xử sự không đúng quy định. Ngành có quy định nhưng chấp hành không đúng”, ông Thắng thừa nhận.
Giám đốc Sở TN&MT cũng chỉ ra nghịch lý là ngành đất đai hệ thống dữ liệu khổng lồ, lẽ ra cần có hệ thống CNTT hoàn chỉnh nhưng tất cả các phần mềm chưa hoàn chỉnh. Phần mềm của Bộ TNMT không phù hợp.
“TPHCM đã xin ý kiến UBND TPHCM và Bộ TN&MT ứng dụng một phần mềm riêng và mới đây Bộ trưởng TNMT đã có văn bản đồng ý”, ông Thắng nói.