Phủ vắc-xin để nhanh mở cửa
Campuchia là một trong những quốc gia đầu tiên nhận viên trợ vắc-xin COVID-19 từ Trung Quốc vào đầu năm 2021. Tính đến tuần trước, quốc gia Đông Nam Á này đã nhận tổng cộng gần 30 triệu liều vắc-xin thông qua mua và tài trợ, phần lớn trong đó là vắc-xin của Trung Quốc (Sinopharm và Sinovac, hai loại vắc-xin sử dụng công nghệ bất hoạt truyền thống).
Sau bảy tháng triển khai chương trình chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc, đã có hơn 11,4 triệu dân Campuchia (tương đương gần 70% dân số) được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, và gần 57% được tiêm đủ liều. Đáng chú ý, chỉ sau 42 ngày triển khai tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi, đã có tổng cộng 1,7 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên ở Campuchia (trên tổng số gần 2 triệu em) được tiêm vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc để chuẩn bị đi học trở lại từ ngày 15/9.
Campuchia dự kiến sẽ hoàn thành chương trình phủ vắc-xin của mình sớm hơn tám tháng so với kế hoạch, theo tờ Khmer Times. Trong vòng một tuần trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Campuchia dao động ở khoảng 500-600 ca, với khoảng dưới 20 ca tử vong/ngày.
Một đối tác thân thiết khác của Trung Quốc trong việc phát triển vắc xin COVID-19, là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), hiện có tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cao nhất thế giới (77,1%), theo số liệu thống kê từ Our World in Data của Đại học Oxford.
UAE bắt đầu chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới bằng loại vắc-xin do Sinopharm phát triển. Đây là quốc gia đầu tiên cung cấp miễn phí vắc-xin Trung Quốc cho công dân vào tháng 12/2020, đồng thời là nước đầu tiên trên thế giới có dây chuyền vắc-xin Trung Quốc. Hiện mỗi ngày UAE vẫn ghi nhận khoảng 700-800 ca mắc mới COVID-19, nhưng số ca tử vong chỉ dao động ở mức một con số.
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng, Thái Lan chủ yếu sử dụng hai loại vắc-xin là Sinovac và AstraZeneca (của Anh). Đến thời điểm hiện tại, khoảng 38% dân số Thái Lan đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa COVID-19, và 17% được tiêm đủ hai mũi. Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, Thái Lan ngày 1/9 bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế phòng COVID-19, cho phép tụ tập lên đến 25 người ở Bangkok và các khu vực có nguy cơ cao khác.
Bắt đầu từ tháng 10, Thái Lan dự kiến mở cửa trở lại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Mai cũng như các khu nghỉ mát bãi biển Pattaya, Cha-Am và Hua Hin… Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Thái Lan cho biết, việc nới lỏng và điều chỉnh các biện pháp hạn chế là cần thiết để khôi phục nền kinh tế một cách an toàn.
Tăng cường chia sẻ vắc-xin
Tính đến ngày 10/9, Trung Quốc đã tiêm hơn 2,13 tỉ liều vắc-xin COVID-19. Nhờ tận dụng nguồn vắc-xin nội địa, tình hình dịch bệnh ở quốc gia 1,3 tỉ dân đã nhanh chóng được kiểm soát với chỉ khoảng vài chục ca mắc mới mỗi ngày và gần như không có thêm ca tử vong.
Từ quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Trung Quốc hiện đang xếp thứ 109 về tổng số ca bệnh (hơn 95.000 ca), theo Wordometers. Với khoảng 2/3 dân số được tiêm đủ liều, và các chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 80%.
Không chỉ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng trong nước, Trung Quốc cũng đang tăng cường chia sẻ vắc-xin với hơn một tỉ liều vắc-xin COVID-19 đã được chuyển đến các quốc gia khác trên thế giới. Tổng cộng, có 105 quốc gia và bốn tổ chức quốc tế đã và đang nhận vắc-xin từ Trung Quốc.
Ngày 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ viện trợ thêm 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho các nước đang phát triển trong năm nay.
Mới đây, các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc đã được chuyển đến Belgrade, đưa Serbia trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu sản xuất vắc-xin do Trung Quốc phát triển.
Nhiều chuyên gia đánh giá các loại vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 ở các quốc gia nghèo, bởi vắc-xin có thể được bảo quản trong tủ lạnh tiêu chuẩn ở 2-8 độ C mà không cần đến tủ lạnh âm sâu.
Ngoài ra, việc triển khai vắc-xin bất hoạt cũng giúp các quốc gia mở rộng đối tượng tiêm chủng thay vì chỉ tập trung vào nhóm trên 18 tuổi. Chuyên gia dịch tễ học người Sri Lanka, Giáo sư Tissa Vitarana nhận định vắc-xin Sinopharm là lý tưởng cho trẻ em vì đây là vắc-xin bất hoạt, giống với các vắc-xin phòng những bệnh phổ biến khác như ho gà, bại liệt, cúm, viêm gan A…
Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinopharm cho nhóm 3-17 tuổi. Đầu tháng Tám, UAE đưa ra quyết định tương tự. Tại Thái Lan, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) mới đây đã nhận được đơn đề xuất mở rộng độ tuổi tiêm vắc-xin Sinopharm từ “trên 18 tuổi” xuống “trên 3 tuổi”, và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 30 ngày.