Điều đáng ngạc nhiên, việc dẫn lại 'cẩm nang' này được đông đảo cư dân mạng trẻ tuổi hào hứng bình luận.
Cẩm nang chửi bậy được thành viên này cảnh báo với người đọc phải thận trọng như trước khi uống thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Cẩm nang đưa ra 5 cấp độ với mức độ tục tĩu tăng dần. Mức 1, chửi bậy dùng những từ ngữ đệm, không đáng có vào văn cảnh. Mức 2, chửi tên bố mẹ, ông bà người khác, kết hợp với những từ ngữ bốc mùi!
Mức 3, dùng những từ ngữ thể hiện chỗ kín của cơ thể để chửi bậy. Mức 4, dùng từ ngữ giống mức 3 nhưng kết hợp thêm nhiều động từ, tính từ mang tính chất biểu cảm cao. Chửi bậy mức 5, kết hợp các cấp độ đọc rap. Cấp độ này dành cho dân chửi chuyên nghiệp.
Chửi bậy mức này thường làm đối tượng bị nghe chửi “chim cú tột độ, đau nhói con tim, tan nát cõi lòng, uất ức quá mà hóa điên”. Chủ nhân của cẩm nang này cảnh báo trước với người đọc (với người bị chửi): “Phải có sự chịu đựng cao thì mới có thể đứng vững được trước những lời bẩn thỉu như thế này”... Thậm chí, thành viên này còn hướng dẫn cách phát âm, lấy giọng để làm bật từ tục tĩu, gây ấn tượng hơn.
Cũng trên diễn đàn này, để minh chứng cho đẳng cấp 5 là dân chuyên nghiệp, một thành viên khác post lên vài đoạn rap chửi theo chủ đề. Nhìn chung phần lớn những phản hồi sau khi xem, nghe xong đều hưởng ứng, chấm điểm theo các cấp độ từ trung bình đến rất hay. Để tăng độ hấp dẫn, không ít teen bổ sung thêm nhiều ngôn từ bậy.
Theo phân tích của các cư dân mạng, từ bẩn được một số teen sử dụng khá phổ biến nhưng chưa phân cấp độ. Từ cẩm nang này, khi tiếp xúc có thể nhận biết người đối thoại thuộc cấp độ nào.
Theo khảo sát của chúng tôi, có 60% thành viên phản hồi tự chấm mình chửi bậy ở mức độ 3; 20% mức độ 4; mức độ 5 và 1 bằng nhau với 15%. Chỉ có 5% tự nhận mức độ 1.
Nguy cơ bị thương tổn
Với vai trò giảng viên tâm lý, TS Huỳnh Văn Sơn (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, học sinh chửi bậy không hẳn là quá trầm trọng nhưng nếu việc chửi có vần có điệu và phân chia cấp độ để hướng dẫn trên cộng đồng là điều thực sự đáng ngại. Có thể lý giải điều này do tâm lý tự khẳng định và nhu cầu thể hiện mình của một số bạn trẻ.
Đặc biệt tâm lý thích làm nổi và vui đùa thái quá làm cho không ít bạn trẻ cho rằng chửi bậy là hình thức vui chẳng hại ai. Tuy nhiên, chính người chửi, người bị chửi và kể cả những người tải những thông tin này đều có nguy cơ bị thương tổn. Khi chính bạn trẻ không nhận ra được những ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề thì hậu quả sẽ trở nên trầm trọng hơn”, TS Sơn phân tích.
Theo chuyên gia an ninh mạng Bkis, số lượng các trang web, diễn đàn có đông đảo teen vừa là chủ nhân (sáng lập) vừa là thành viên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngôn từ sử dụng trên các diễn đàn mạng ngày càng lệch chuẩn, từ chửi bậy không còn được viết tắt, mức độ tục tĩu, từ bẩn tăng dần mà không có hình thức nhắc nhở hay chế tài xử phạt. Đó là mảnh đất hoang tạo cơ hội gieo, ươm mầm “cây rác” ngôn ngữ.
TS Huỳnh Văn Sơn đề xuất, cần có kiểm soát nghiêm ngặt hơn nữa về ngôn từ trên mạng xã hội, gia đình chú ý nhiều hơn về giáo dục học sinh trong giao tiếp thường ngày. Thầy cô giáo cần gần gũi học sinh nhiều hơn để có những điều chỉnh kịp thời. Trên bình diện xã hội, cần có những chương trình hành động để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ tâm lý lây lan tâm lý nhóm ảnh hưởng từ hiện tượng nói trên.
Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái (Khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), văng tục chửi bậy là hệ quả tất yếu của guồng quay xã hội quá gấp gáp và nhiều sức ép khiến nhiều giá trị bị đảo lộn.
TS Thái đã trao đổi với giáo viên một số trường học trên địa bàn Hà Nội về nạn văng tục của học sinh, bà đưa ra nhận định, học sinh càng lớn tuổi càng văng tục, chửi bậy nhiều; học sinh trường dân lập hoặc ít tên tuổi thì văng tục, chửi bậy nhiều hơn học sinh ở các trường quốc lập có tên tuổi.
Bạn có phải là nạn nhân của nạn nói tục không?
- Có
- Không
- Câu trả lời khác