>> Lên đồng: Khoa học và bịp bợm
>> Không thể cấm lên đồng
>> Lên đồng sẽ bị cấm?
Theo ông Tuyến, năm 2006, tỉnh Hải Dương quy định cho lễ hội Kiếp Bạc, trong quá trình hầu đồng không được thực hiện hành vi phán truyền giả danh lời thánh, xiên lình, không lợi dụng liên hoan hầu thánh để tuyên truyền mê tín dị đoan, phục vụ lợi ích cá nhân và thu lợi bất chính.
“Quan điểm của chúng tôi là những tri thức văn hóa dân gian thì bảo tồn, phát huy. Mê tín thì phải ngăn chặn. Ở đây, cấm là cấm phần mê tín trong hầu đồng. Trong dân gian, hiện tượng này có thể được gọi theo nhiều cách, còn trong văn bản pháp luật, chúng tôi gọi là lên đồng phán truyền” - ông Tuyến nói.
Nhưng làm thế nào để phân biệt lên đồng mê tín và không mê tín?
Biết là khó, phức tạp, nhưng vẫn phải làm. Trong một cuộc trao đổi với Hội Di sản Văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh nói: “Có lên đồng không mê tín dị đoan nhưng cũng có loại lên đồng có mê tín dị đoan”. Tôi hỏi nó khác nhau như thế nào, lúc nào để phân biệt? Giáo sư nói không thể biết được lúc nào cả. Chỉ khi xem cụ thể thì mới phân biệt được. Như vậy là có tồn tại hiện tượng lợi dụng hầu đồng dân gian để tiến hành hành vi mê tín, đúng không? Vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải hạn chế, loại bỏ.
Cái mà chúng tôi muốn loại bỏ là lên đồng phán truyền, là nhân danh thần thánh, nhân danh linh hồn để phán xét.
Như vậy, có thể hiểu là vẫn được tổ chức lên đồng trong lễ hội?
Đúng. Không cấm các lễ lên đồng tại lễ hội mà chỉ cấm lên đồng có nội dung mê tín. Cái nào là lên đồng có nội dung mê tín, khi người ta xem, người ta sẽ xác định được. Mê tín là cái trái với tự nhiên, gây mê hoặc cho người khác. Còn lên đồng kia để thể hiện những tri thức về dân gian, họ múa hát, không gây hại cho xã hội thì không ai cấm.
Mê tín phát sinh lúc nào thì cơ sở người ta biết. Mà cũng có thể Bộ sẽ thanh tra bất chợt, nếu thấy vi phạm thì phải xử lý thôi. Quản lý xã hội thì phải như thế.
Liệu cơ quan quản lý có đủ người giám sát từng cuộc lên đồng để kịp thời ngăn chặn mê tín dị đoan?
Trước hết, phải có quy định, rồi vận động người dân tự giác chấp hành. Cơ quan quản lý có thể kiểm tra xác suất, thường xuyên hoặc không thường xuyên, tùy theo lực từng nơi. Khi cơ quan quản lý xử phạt nhiều, tự khắc ý thức chấp hành của dân sẽ tăng lên, trật tự xã hội sẽ được thiết lập. Chứ đòi hỏi tất cả ngay một lúc thì không thể.
Bây giờ thanh tra các sở văn hóa, nơi thì 5 người, nơi thì 3 người mà có rất nhiều việc. Nếu người ta sử dụng lực lượng linh hoạt, hôm nay tập trung kiểm tra hầu đồng, ngày mai tập trung kiểm tra về quảng cáo, game online... thì vẫn làm được. Đừng đặt vấn đề có đủ lực lượng không, mười mấy nghìn xã liệu có được mười mấy nghìn thanh tra không? Tất nhiên không thể có được, mà phải linh hoạt.
Muốn giải quyết các vấn đề tiêu cực thì luôn cần hai yếu tố, một là phải có luật pháp, hai là khi có luật pháp rồi thì phải giải thích để người ta tự giác chấp hành. Ai không tự giác chấp hành thì phải có lực lượng phát hiện và xử phạt thật nghiêm. Như thế mới thiết lập được trật tự, tất cả các lĩnh vực đều phải làm như thế hết.
Cấm và phạt trong khuôn khổ lễ hội, vậy ngoài mùa lễ hội thì sao?
Cấm ở bất cứ nơi công cộng nào, đền, chùa, miếu mạo, nơi thờ tự công cộng. Nguyên tắc là phạt hết. Vi phạm thì bị phạt. Có người nói phạt vào năm mới hay khi lễ lạt, thờ cúng thì người dân bị xúi quẩy nhưng tuyên truyền mãi không nghe thì phải phạt. Tôi không thể tránh xúi quẩy cho anh để anh làm ảnh hưởng đến người khác.