Cầm Giang - Thơ tài hoa, đời trắc ẩn

TP - Tôi biết anh Cầm Giang từ tháng 2/1961 trong dịp Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Việt Bắc ở TP Thái Nguyên khi đọc lý lịch trích ngang danh sách bầu cử BCH chi hội.

Tôi đọc kỹ về anh Cầm Giang vì tôi đã đọc nhiều tác phẩm của anh từ thơ đến truyện ngắn và sưu tầm, dịch thuật từ tiếng Thái sang tiếng Kinh, hơn thế còn có máu “đồng hương quê choa”.

Lần đó anh Cầm Giang trúng cử vào BCH Chi hội mà Chủ tịch là nhà thơ Nông Quốc Chấn và Phó Chủ tịch là nhà thơ Bàn Tài Đoàn… Chi hội VNVB tồn tại có 14 năm (1961- 1975) vì từ mùa hè 1975, có quyết định giải thể khu tự trị VB, nên chi hội cũng “tan Hội” luôn.

Trong 14 năm đó tôi còn có nhiều lần gặp lại anh Cầm Giang, vì từ năm 1965 đến năm 1975 tôi có chân trong BCH chi hội này, tiếc rằng từ năm 1967-1968 tôi không gặp lại anh nữa chỉ nghe tin anh đã chuyển từ mỏ Cẩm về Vĩnh Tường để dạy học và vẫn là “ông lang” cứu giúp người nghèo.

Tôi nhớ trong các lần gặp nhau như thế anh Cầm Giang bao giờ cũng là kho chuyện lạ. Chứng tỏ anh viết nhiều, biết nhiều và nói cũng hấp dẫn, nhất là chuyện hài hước kiểu Trạng Quỳnh (quê Trạng mà).

Ký ức của tôi vẫn đọng nguyên cái bóng to cao, nói năng diễn đạt rành mạch và vẫn phảng phất ngữ âm xứ Thanh. Từ những năm 60 thế kỷ trước, tôi đã đọc “Thành rồng, thành hổ” (NXB Phổ thông, 1957), “Rừng trắng hoa ban” (NXB Văn học, 1961).

Trong tập “Thành rồng, thành hổ” anh Cầm Giang ghi là sưu tầm, là dịch từ tiếng Thái ra tiếng Kinh. Nhưng tôi nghĩ và cũng không ít nhà thơ khác khẳng định đó chính là giọng điệu thơ Cầm Giang, hoặc như anh có sưu tầm, có biên dịch thì chính anh đã tạo ra vóc dáng khác cho bài thơ, ví như bài “Có hai người”.

Ới bản Mường ơi!

Một cái nhà sắp đổ

Đêm khuya, gà gáy ran trong ổ

Suối ngừng lại cả rồi

Gió lay chuyển động trời

Núi sạt nhanh xuống đất

Rừng cây rạp đổ tất

Vì dưới thang có hai người

Đang trộm ôm nhau,

 đang đổi cái hơi…

Rồi bài “Em tắm” với tên tác giả là Bạc Văn Ùi, hay như bài “Nhớ vợ” với tên tác giả là Cầm Vĩnh Ui. Đó là hai bài thơ Tình nổi tiếng của dân tộc Thái, của Bạc Văn Ùi hay của Cầm Vĩnh Ui thì công đầu vẫn là của Cầm Giang, hay nói thật lòng tôi thì hai bài thơ đó chính là của Cầm Giang.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên trong tập sách “Ẩn số  Cẩm Giang” (NXB Văn hóa dân tộc, 2006) vừa được giải thưởng năm 2006 của Hội VHNT các DTTS Việt Nam cũng đã trích đăng lại một bài anh đã viết trên báo Văn nghệ tháng 10/1988 “Chuyện phiếm từ một bài thơ”.

“Từ một góc nhìn nghịch ngợm, nhưng hoàn toàn nghiêm túc, tôi cho bài thơ Nhớ vợ là một đơn xin nghỉ được viết bằng thơ:

Đơn xin nghỉ: Nhớ vợ

Họ và tên: Cầm Vĩnh Ui

Dân tộc: Thái

Lý do xin nghỉ: Tôi nhớ vợ tôi lắm

Thời gian nghỉ: Cho tôi về    hai ngày

Nơi nghỉ: Nhà tôi ở Mường Lay

Có con sông Nậm Rốm”...

Và anh khẳng định: “Nhớ vợ là một bài thơ hay với đầy đủ ý nghĩa của khái niệm này. Trong nhiều yếu tố nghệ thuật làm nên giá trị bài thơ, có một yếu tố quan trọng là việc xử lý giỏi giữa sự phi lý và có lý, giữa vô thức và có ý thức, giữa trừu tượng và cụ thể…”.

Nhà thơ Lò Ngân Sủn trong phim tài liệu “Ẩn số Cầm Giang” đã nói: “Người ta có thể quên nhiều thứ nhưng có một thứ tôi tin người đời sẽ không quên đó là Em tắm, Nhớ vợ, Em là con gái Châu Yên, Có hai người, Núi Mường Hung – Dòng sông Mã”.

Bài thơ “Em tắm” cũng đã được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc rất thành công và ông nói: “Tôi thấy rằng, có lẽ ít dân tộc nào có lối nói đậm đà bản sắc riêng đến như vậy mà đồng thời cũng hiện đại đến như vậy”.

Cầm Giang có hàng trăm bài thơ sáng tác, sưu tầm ở Tây Bắc, Việt Bắc và không ít bài  viết về bạn bè, về quê hương thật đằm thắm, thật sâu nặng ân tình.

Từ mỏ Cẩm (Thái Nguyên), Cầm Giang về Vĩnh Tường và ở đó có những người bạn tri âm khỏa lấp trong anh những nỗi buồn, nhưng vất vả của dòng đời bao giờ cũng có hai mặt phải trái, tốt xấu, trắng đen. Anh đã viết cho nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi một bài thơ dài, trong đó có những câu gan ruột:

Gặp nhau mới một bận

Hiểu nhau quá trăm lần

Từ những câu thơ bộn ý, chắp vần

Đến nỗi chữ xoáy cồn lên    suy nghĩ

Tôi muốn một phút thôi

Thay chị từ thủ thỉ

Anh! Bão đã lặng chưa?

Nếu còn lác đác mưa

Thì sách giáo khao che tạm...…

(Đầu tháng 5/1970)

Theo nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã từng đi lại nhiều lần về Khách Nhi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để thăm hỏi gia đình, gặp cô giáo Lương Nguyên (con gái nhà thơ) và thắp hương viếng mộ nhà thơ Cầm Giang.

Anh đã cho chúng ta thấy rõ hơn “ẩn số Cầm Giang” để anh tri âm với nhà thơ  tài hoa, với những bài thơ hay đóng góp không nhỏ cho nền thơ ca đương đại của chúng ta. Anh Uyên cho biết bản lý lịch mà Cầm Giang khai năm 1967 từ mỏ Cẩm xin chuyển về dạy học ở Vĩnh Phúc:

Tên thường dùng: Lương Cầm Giang

Tên khai sinh: Lê Gia Hợp

Ngày sinh: 2/5/1931

Nơi sinh: Xóm 3, Nguyệt Viên, Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa…

Và như chúng ta biết từ năm học 1968 anh chuyển về dạy học đến khi anh qua đời năm 1989 khi mới 59 tuổi đời.

Có người nói: Cầm Giang bỏ vợ là chị Lê Thị Vịnh ở quê, trong khi chưa ly dị đã cưới cô Nguyễn Thị Kiên ở Khách Nhi nên “phạm luật”!

Có biết đâu rằng gia đình anh “ép” anh lấy vợ từ 14 tuổi, anh không chấp nhận và bỏ đi lang thang ra Nam Định, Hà Nội rồi gặp ông Lương Hữu Ca, người có lòng từ tâm, nên anh được ông nhận làm con nuôi (vì thế mà họ Lê đổi thành họ Lương).

Mối lương duyên “ép buộc” đó gần 20 năm anh và cô Vịnh mới chính thức ly dị ở ngay quê nhà. Lại có người nói: Ở quê nhà anh là địa chủ, nên “lý lịch nặng”, anh phải bỏ nhà ra đi, thay tên đổi họ để đi bộ đội, làm y tá, làm thầy giáo.

Do “nặng căn” như thế nên ở đâu anh cũng bị “mặc cảm”. Ngay khi về dạy học ở Vĩnh Tường, cũng có những kẻ “xơ cứng” cho là con địa chủ, không có bằng sư phạm chính quy mà Ty GD lại cho dạy cấp 2.

Tuy anh không có bằng cấp chính quy, nhưng ở bộ đội, anh đã dạy học, rồi anh tự học ở sách, ở đời, ở bạn nên anh trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đặc biệt anh giảng văn, dạy lịch sử rất hay.

Anh còn là “bác sĩ” của những người nghèo luôn được miễn phí cả Tây y và Đông y, rồi anh dạy phụ đạo cho HS giỏi, HS yếu không bao giờ thu tiền.

Con người như anh thật tài hoa mà đầy trắc ẩn, anh có nhiều bài thơ tự sự chép trong nhật ký rất hay, nếu sau này những bài thơ đó được tập hợp trong “Tuyển tập Cầm Giang” thì bạn đọc sẽ chia sẻ thêm những buồn vui, cay đắng cuộc đời của anh.

Người vợ cuối cùng của anh (vợ thứ ba) là bà Đỗ Thị Chắt đã hết lòng vì anh, vì các con anh, nên bây giờ con cái anh đã nên người và luôn nghĩ về sự thua thiệt của người cha kính yêu của mình.

Các con anh hy vọng Hội Nhà văn VN quan tâm việc “khôi phục” hội viên cho ông vì ông đã dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn VN, năm 1957, nay đã 50 năm qua đi và Hội hãy giúp đỡ “phần hồn” cho Cầm Giang có được “Tuyển tập Cầm Giang” (cả thơ và văn).

Còn với quê hương xứ Thanh hay quê hương Vĩnh Phúc, những người yêu thơ, mến mộ Cầm Giang góp sức mình ghi nhớ một tài năng, một con người Thơ như Cầm Giang.