Cải tạo 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D ở Hà Nội: Giậm chân tại chỗ

TP - Chưa ban hành hệ số đền bù, hạn chế bởi chỉ tiêu quy hoạch, chưa có quy trình cưỡng chế hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm... là những lý do khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gần như “giậm chân tại chỗ”.

Theo Kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D, trong đó quận Ba Đình có 5 khu: Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

G6A tập thể Thành Công nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, quận Ba Đình vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa di dời

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết, đối với công tác di dời các hộ dân trong các đơn nguyên chung cư nguy hiểm cấp D, từ năm 2016 (sau khi có kết quả kiểm định đánh giá chất lượng các chung cư), UBND quận đã tổ chức di dời 119/174 hộ dân trong 5 chung cư nguy hiểm cấp độ D (đạt tỷ lệ 68,4%). Còn 55/174 hộ viện nhiều lý do để không chấp hành việc di dời.

Hà Nội, TPHCM chậm ban hành hệ số bồi thường

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Trong đó khẳng định, Hà Nội và TPHCM là nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại nhưng thực hiện còn chậm. Chưa thực hiện tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường…

Sau khi UBND thành phố ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và các Kế hoạch triển khai Đề án, trong năm 2022, công tác di dời các hộ dân ra khỏi chung cư nguy hiểm được đẩy nhanh hơn.

Đến hết tháng 9/2022, quận đã tổ chức di dời thêm 33/55 hộ dân, nâng tỷ lệ hộ dân di dời lên 87,3%.

“Hiện nay còn 22 hộ dân đã nhận phương án hỗ trợ tạm cư nhưng chưa di dời, UBND quận đã giao các đơn vị tiếp tục vận động tuyên truyền hộ dân di dời khỏi các chung cư nguy hiểm, cùng lúc xây dựng Kế hoạch cưỡng chế”, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận thông tin.

Ngoài ra, đối với công tác kiểm định chất lượng các chung cư cũ, trên địa bàn quận Ba Đình có 151 chung cư cũ cần rà soát, đánh giá và thực hiện kiểm định, trong đó có: 55 chung cư cũ đã có kết quả kiểm định, cần rà soát đánh giá; 22 chung cư cũ Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức kiểm định và 74 chung cư cũ, UBND quận Ba Đình có trách nhiệm tổ chức kiểm định.

Tại quận Đống Đa, hiện có chung cư nguy hiểm cấp D tại 51 Huỳnh Thúc Kháng cần cải tạo, xây dựng mới đợt này. Hiện đã thực hiện di chuyển 3 trên 4 hộ dân ra khỏi chung cư về nơi tạm cư; còn 1 hộ dân UBND quận đang tổ chức triển khai ban hành quyết định cưỡng chế; dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2022.

Đề xuất quy hoạch đặc thù

Đại diện quận Ba Đình cho biết, sau khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, dân số trong các khu tập thể sẽ bao gồm toàn bộ số dân cư thuộc diện tái định cư và số lượng người mua các căn hộ thương mại. Ước tính số lượng người mua các căn hộ thương mại gấp đôi số lượng dân tái định cư.

Do vậy, quy hoạch các chung cư gặp khó khi bị hạn chế bởi chỉ tiêu dân số đã quy định tại đồ án phân khu H1-2. Các chỉ tiêu quy hoạch như mật độ xây dựng, chiều cao công trình,…khiến không kêu gọi được nhà đầu tư.

Trong khi đó, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, hiện thành phố vẫn chưa phân bổ vốn lập quy hoạch cải tạo nhà chung cư cũ nên việc lập quy hoạch không đạt tiến độ đề ra.

Theo các chuyên gia, không chỉ các quận gặp khó bởi chính thành phố còn đang “mắc” chưa thể ban hành các quy chế phục vụ cải tạo chung cư cũ. Hệ số bồi thường chưa được ban hành khiến nhà đầu tư không thể lập phương án bồi thường cho người dân. Bên cạnh đó, quy hoạch chi tiết các khu vực có chung cư cần cải tạo cũng chưa được lập hoàn chỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp cho rằng: Hà Nội cần phải có biện pháp cụ thể, có cơ chế đặc thù để cải tạo chung cư cũ. Ông Hiệp lấy ví dụ khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa) có một số căn diện tích 10m2.

Trong trường hợp này, nếu bố trí tái định cư tại chỗ sẽ rất khó khăn vì căn hộ tái định cư sẽ bé hơn diện tích tối thiểu quy định (kể cả được đền bù theo hệ số K = 2), phần diện tích dôi ra, họ không có tiền mua thì xử lý bằng cách nào? “Do đó nếu không có cơ chế đặc thù cho từng khu tập thể riêng biệt thì sẽ khó có chuyển biến trong cải tạo chung cư cũ”, ông Hiệp nói.