Cải cách là đòn bẩy tạo dựng một Chính phủ kiến tạo

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử là trọng tâm lớn và xuyên suốt trong chỉ đạo và điều hành của Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã tập trung rà soát loại bỏ, điều chỉnh hoặc xây dựng mới nhiều văn bản, qui định quản lý trong lĩnh vực được giao quản lý. Đã có hơn 40 Thông tư của Bộ đã được ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; trình Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi 15 Nghị định.

Nhiều quyđịnh không còn phù hợp đã được nhanh chóng rà soát, gỡ bỏ hoặc điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu đổi mới như: bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40/2011/TT-BCT; xây dựng Thông tư số 36/2016/TT-BCT (thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT) quy định dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng... Nhiều quy định quản lý khác cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để ban hành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới.

Cùng với cải cách thể chế và cải cách bộ máy, Bộ Công thương cũng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của Bộ cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Năm 2016 vừa qua, Bộ Công Thương đã rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ 39 thủ tục hành chính trong tổng số 453 thủ tục hành chính của Bộ (trong các lĩnh vực: thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực).

Toàn cảnh hội nghị.

Trong năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 453 thuộc phạm vi Bộ quản lý. Các thủ tục hành chính được thực hiện đơn giản hóa này thuộc 17 lĩnh vực tại 40 văn bản quy phạm pháp luật (28 Thông tư, 2 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định Thủ tướng và 9 Nghị định).

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Tinh thần chung trong kế hoạch tổng thể cải cách hành chính của Bộ là phải bảo đảm yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước”. 

Cùng với quá trình cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cũng tiến hành đổi mới trong phương thức tiến hành, thực hiện dịch vụ công tuyến ở các mức độ cao hơn theo lộ trình phù hợp.

Đến thời điểm này, tất cả các thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 45 nhóm dịch vụ công mức độ 3 với tổng số 157 dịch vụ công trực tuyến đến thời điểm này đã được thực hiện ở mức độ 3 và mức độ 4.

Xác định cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử là quá trình thường xuyên, liên tục nhằm thực hiện mục tiêu của một Chính phủ kiến tạo hành động, phục vụ doanh nghiệp và người dân, Bộ Công Thương đang và sẽ tập trung chỉ đạo để tiếp tục có những cải cách thực chất và toàn diện hơn nữa trong các lĩnh vực quản lý. Bộ khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần khơi dậy mạnh mẽ nội lực từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định.

Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 20/2/2017, tổng số hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính được gửi đến Bộ Công Thương là trên 707.000 hồ sơ, trong đó có 667.110 được gửi theo hình thức trực tuyến (tương đương với 94,3% tổng số hồ sơ), trong đó hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3 là 636.130 hồ sơ (chiếm 95,4% trên tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến), số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 4 là 30.980 hồ sơ (chiếm 4,6%).

Trong năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 14 DVCTT cấp độ 4 và 8 DVCTT cấp độ 3).

Theo Theo Báo Ngày Nay