Cách phòng tránh và xử lý khi bị chó mèo cắn

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, y học khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn thì 100% tử vong.

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Làm gì khi bị động vật cắn:

Khi bị chó mèo cắn, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại:

- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.

- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

- Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào.

Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết… hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Tiêm chủng phòng bệnh dại:

Dự phòng trước phơi nhiễm: áp dụng cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, kiểm lâm, người nuôi dạy thú, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cào/cắn.

Lịch tiêm chủng cho từng trường hợp sẽ được tư vấn bởi bác sĩ tại cơ sở tiêm chủng.

Khuyến cáo phòng chống bệnh dại:

- Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

- Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

- Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần ( ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

- Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

- Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

Văn Đức

Theo Theo Vietnamnet