>> Hà Nội: Xuất hiện bọ xít hút máu người
Chị Nguyễn Thị Cẩm Thanh, địa chỉ 273/5, Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng cho biết, chị và hai người nữa trong gia đình bị một loại côn trùng giống bọ xít đốt từ một đến hai tháng nay. Cho đến khi cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ kéo theo chứng đau đầu, mặt phù nước, chị mới bắt đầu chú ý và theo dõi, trực tiếp bắt được 4 -5 cá thể. Gọi điện cho Viện Sinh thái &Tài nguyên Sinh vật, chị được TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng Thực nghiệm, cho biết đó là loại bọ xít hút máu người.
Chiều cùng ngày hôm qua, anh Nguyễn Văn Tiền, quê Hà Tĩnh, đang sống ở 110 Hoàng Cầu, Hà Nội, cũng phát hiện bị một loại bọ lạ đốt cách đây khoảng năm ngày. Anh cho hay, khi bị đốt, anh không có cảm giác đau, chỉ thấy vết đỏ nhỏ và cho rằng muỗi cắn. Tuy nhiên, triệu chứng mệt và ngủ vặt triền miên, xuất hiện sau đó ít ngày khiến anh hoài nghi, lo lắng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Trương Xuân Lam cho hay, loại bọ xít hút máu người này được phát hiện và nghiên cứu trên thế giới, nhất là các nước ở châu Mỹ La tinh từ năm 1979. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên được nhắc đến và thể hiện rõ ràng ở các địa điểm cụ thể trong vùng, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
Năm 2004, TS Lam tình cờ gặp ba người đến nghỉ mát tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, và nghe kể, sau khi ở phòng khách sạn được vài ba ngày, nhóm ba du khách này muốn ngủ nhiều hơn, thậm chí gấp đôi thời gian bình thường 8 -9 tiếng/ngày, kèm theo là cảm giác mệt mỏi, uể oải.
Từ đó, ông theo dõi, phát hiện được ba cá thể trưởng thành, hai cá thể ấu trùng là loại bọ xít hút máu người mà ông từng nghe nói đến ngay tại phòng khách sạn này.
Riêng hai năm, từ 2008 – 2009, TS Lam được khổ chủ ở nhiều nơi của Hà Nội thông báo và ông đã thu được mẫu các con bọ xít hút máu người đó ở tám điểm khảo sát như Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Gia Lâm, Từ Liêm, Hà Đông hoặc các vùng lân cận như Mê Linh, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Vườn quốc gia Ba Vì…
Tổng số cá thể thu được, tất cả đều trong nhà có người ở, là hơn 30 con. Có trường hợp hai khách sạn bên Gia Lâm, trong căn phòng sạch sẽ, cũng bắt được bọ xít hút máu. “Điều đó chứng tỏ, loại côn trùng này đang tồn tại và sinh sôi ngay trong lòng thành phố, khu dân cư”, TS Lam nhận định.
Chui trong khe giường, thích bóng tối
Theo nhận định sơ bộ của TS Lam, bọ xít hút máu người không chỉ di cư từ các vùng khác nhau mà còn có thể sinh sôi, quay vòng đời tại một địa điểm. Ngoài ra, chúng còn là loại trung gian truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu hoặc từ người mẹ sang tế bào thai.
Bệnh thường có triệu chứng sau một đến ba tháng đầu tiên, biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Trong các nghiên cứu y tế trên thế giới, 5% trường hợp sau khi bị loài bọ xít hút máu này cắn đã bị tử vong. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể ủ trong cơ thể người và làm mất dần khả năng miễn dịch, trở nên mãn tính từ 10 đến 40 năm sau, dẫn đến các bệnh liên quan mạch (như tắc nghẽn mạch máu, rung tim…).
Loại côn trùng này thuộc họ bọ xít ăn thịt sâu, có màu xám. Khác với các loại khác trong họ, chúng không có mùi hôi, sống bằng máu người hoặc máu gia súc. Khi đốt chúng sẽ truyền chất gây tê làm người bị đốt không có cảm giác đau. Chỉ sau khi hút xong, trên da sẽ xuất hiện một nốt nhỏ màu đỏ, khoảng 1 -2 mm, không sưng tấy.
Dù chưa có nghiên cứu về sinh sản, tập tục, phân bổ của loại bọ xít này ở Việt Nam nhưng, theo quan sát của TS Lam, một vòng đời của chúng kéo dài khoảng 6 – 8 tháng, và mỗi cá thể cái đẻ được 500 – 1.000 trứng. “Thời tiết oi bức mùa hè có vẻ càng thuận lợi cho loại này phát triển mạnh”, TS Lam dè dặt.
Do tập tính thích bóng tối, hoạt động về đêm nên chỗ sống của bọ xít hút máu là dưới đệm, chiếu hay ở khe giường hoặc tủ. Chúng sống dai dẳng và không hại chết vật chủ ngay từ đầu. Khi hút đủ máu, chúng quay về chỗ trú ngụ ban đầu.
Diệt bằng tay
Với loại bọ xít này, chưa phát hiện ra một loài thiên địch nào có thể khống chế cũng như chưa có thuốc đặc chủng tiêu diệt hoàn toàn. Do đó, biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa loài này trước mắt vẫn là các cách thức cổ điển. Đó là nhận dạng loại côn trùng này, cả cá thể trưởng thành lẫn trứng và ấu trùng bằng cách quan sát, rọi đèn pin vào ban đêm tại các khe hở, dùng kẹp để bắt và giết chúng đi.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có ban ngành hay cơ quan nào để ý và nghiên cứu bọ xít hút máu người, nhưng với tình hình không được kiểm soát như hiện nay, khó đoán định loại côn trùng này có thể phát triển lan tràn hay gây thảm họa ra sao, TS Lam cảnh báo.