Cách nào tồn tại khi khởi nghiệp?

TP - Hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những yếu tố thuận lợi đang tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nhưng khó khăn cũng không ít. 
Ứng viên tìm cơ hội việc làm tại gameshow Whose chance - Cơ hội cho aiẢnh: CTV

Bài 1: Khởi nghiệp không dễ như chơi gameshow

Trước kia, muốn ra làm ăn thì phải “khăn gói quả mướp” tầm sư học nghề. Nay, chỉ cần có ý tưởng và mạnh dạn đăng ký tham gia chơi gameshow liên quan đến khởi nghiệp, các startup sẽ được tư vấn đầy đủ, nhưng cũng dễ mắc bẫy ảo tưởng.

Lên “sóng” tìm cơ hội

“Khởi nghiệp” - cụm từ luôn hấp dẫn với tất cả những ai có máu kinh doanh, muốn làm chủ. Tất nhiên, gameshow đã không bỏ qua đối tượng tiềm năng này khi liên tục ra mắt các chương trình, trò chơi liên quan đến… chuyện làm ăn.

Chỉ tính riêng trên sóng VTV3 đang có 4 chương trình liên quan khởi nghiệp như: Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 3; Kiddie Shark - Sếp nhí khởi nghiệp; Whose chance - Cơ hội cho ai, và mới đây nhất là gameshow Khởi nghiệp công nghệ… Trước đó còn có Vua bán hàng, Chinh phục ước mơ… Ngoài ra, tại nhiều diễn đàn online, mạng xã hội cũng tổ chức không ít cuộc thi liên quan startup, thu hút đông đảo người tham gia.

Từng tham gia một gameshow để gọi vốn, Nguyễn Trọng Trí (25 tuổi, ngụ Q.2, TPHCM), chủ một dự án kinh doanh rau sạch vẫn đang đi tìm nhà tài trợ cho dự án của mình. “Dự án triển khai gần 2 năm nay, bán hàng tại các phiên chợ sạch ở TPHCM nên nhiều khách hàng biết đến thương hiệu. Tuy nhiên, tôi muốn mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ vào khâu bảo quản, chế biến nên cần vốn đầu tư kha khá. Đó là lý do tôi tham gia gameshow gọi vốn”, Trí chia sẻ.

Tập kinh doanh từ năm 18 tuổi, thế nhưng hơn 5 năm trôi qua, ước mơ làm “người thành đạt” của Đỗ Thị Mỹ Dung (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) vẫn dở dang. Dung kể, hồi mới ra nghề là lúc vừa tốt nghiệp lớp 12. Lúc ấy, trào lưu bán bánh tráng trộn, trà sữa đã bắt đầu xôm tụ. Nhận ra cơ hội kiếm tiền, Dung rủ thêm vài người bạn thuê mặt bằng kinh doanh thức ăn vặt. Do chưa có kinh nghiệm nên quán sớm đóng cửa sau 1 năm cầm cự. Tiếp đó, Dung vay tiền bố mẹ kinh doanh hoa tươi, nhưng do sản phẩm không có gì đặc sắc, cửa hàng hoa cũng sớm đóng cửa. Sau đó, cô chuyển qua buôn quà tặng thủ công.

Tránh đi vào “vết xe đổ” như những lần trước, lần này Dung khảo sát thị trường, lập kế hoạch kinh doanh hẳn hoi. Đồng thời cô đăng ký tham gia gameshow khởi nghiệp để tìm thêm cơ hội. “Mục đích chính của tôi là muốn làm quen, có lời khuyên từ các chuyên gia uy tín, còn nếu mình chiến thắng trò chơi, gọi thêm được vốn thì việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn”, Dung nói.

“Nếu chỉ bằng vài câu nói về ý tưởng kinh doanh, chưa kể nó còn không hoàn toàn mới mà nghĩ có thể gọi được vốn vài tỷ đồng thì bạn đang ảo tưởng quá lớn. Con đường khởi nghiệp dài, khó khăn với hàng ngàn thứ gian truân lắm. Muốn thành công thì cần phải có thời gian đi và trải nghiệm. Gameshow chỉ là gameshow, mà nhiệm vụ chính của mọi show truyền hình đều là câu view. Vì vậy xem vui thì được còn đừng nên ảo tưởng hay kì vọng quá mà gây ảnh hưởng lớn đến con đường khởi nghiệp của chính bạn”, chuyên gia truyền cảm hứng Đình Hoàng nhắn nhủ.

Ðừng ảo tưởng về ý tưởng

Thực tế, không ít bạn trẻ khởi nghiệp muốn nhà đầu tư quan tâm, chú ý đã “nói cho sướng miệng” dự án của mình. Nhưng khi sự thật bị phơi bày, không giống như lời nói thì không ít người loay hoay chống đỡ, đối phó.

Cuối năm 2018, trong một chương trình gọi vốn trên sóng truyền hình, một doanh nghiệp startup chuyên kinh doanh tỏi đen Lý Sơn đã bị người dân, chính quyền địa phương phản đối quyết liệt khi nói không đúng về chất lượng tỏi, doanh thu, vùng trồng… Dù doanh nghiệp này sau đó giải trình, giải thích nhưng lòng tin của khách hàng đã giảm sút.

Xuất phát điểm của đa số startup là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh. Họ thiếu đủ thứ, nhất là vốn, nhân sự, kinh nghiệm, hiểu biết thị trường. Khởi nghiệp không dễ như một trò chơi ở gameshow. Để được rót vốn, sau khi nhận được cái gật đầu của “cá mập” tại chương trình, các startup còn phải trải qua vòng Due Dil (rà soát, thẩm tra) xem họ có trung thực trong sử dụng số liệu khi chia sẻ trên sóng truyền hình hay không, những việc đã triển khai thực tế như thế nào, kế hoạch tương lai có khả thi…

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, có đến 79%, thậm chí 90% doanh nghiệp startup “rớt đài” ở vòng thẩm tra dự án. Điều này cho thấy việc gọi vốn của các starup, nhất là thông qua các gameshow hoàn toàn không dễ dàng. Các bạn trẻ đừng ảo tưởng về ý tưởng của mình, bởi đây là rào cản khi gọi vốn. Ngoài ra, ở nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, việc thiếu kiến thức, tài chính, hay không có phương án sử dụng nguồn vốn hiệu quả cũng là lý do khiến nhà đầu tư lắc đầu.

“Gọi vốn thành công ngoài sản phẩm tốt còn đòi hỏi startup phải trung thực, minh bạch. Mô hình kinh doanh đúng nghĩa là startup, nghĩa là có sự sáng tạo, đổi mới, có sự khác biệt, chứng minh được tính khả thi của dự án. Một điểm quan trọng nữa giữa startup và nhà đầu tư phải có điểm chung, hiểu nhau thì “hôn nhân” mới bền vững, lâu dài”, TS Bùi Quang Tín chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mô hình kết nối KOLs/Influencers (người ảnh hưởng) với các nhãn hàng, doanh nghiệp khởi nghiệp có sức hút và tiềm năng rất lớn trong tương lai. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm sao để kết nối này hiệu quả vì có hàng tỷ thứ cần cân nhắc trước khi “về chung một nhà” như tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp của influencers, mạng lưới kết nối, độ hot của influencers, thị hiếu của người dùng…

(còn nữa)

TS Bùi Quang Tín

“Gọi vốn thành công ngoài sản phẩm tốt còn đòi hỏi startup phải trung thực, minh bạch. Mô hình kinh doanh đúng nghĩa là startup, nghĩa là có sự sáng tạo, đổi mới, có sự khác biệt, chứng minh được tính khả thi của dự án”. - Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín