Cách cắt giảm đường cho bữa ăn của người tiểu đường
Có hai phương án cơ bản:
Hoặc chọn món ăn không cung cấp quá nhiều đường như cơm, bánh mì… Hoàn toàn đúng trên lý thuyết, nhưng lại không dễ áp dụng trong thực tế vì nhiều người đã quen lựa chọn cơm là món ăn chắc dạ. Thiếu cơm thì ăn đủ món vẫn không có cảm giác no. Cách này vì thế khó áp dụng lâu dài.
Hoặc chọn thực phẩm có hoạt chất nào đó đóng vai trái độn để chất đường từ bữa ăn được hấp thu vào máu một cách hòa hoãn. Cách này tưởng khó nhưng lại dễ thực hiện nếu người bệnh tiểu đường biết cách áp dụng chất xơ có nhiều trong rau cải, mễ cốc.
Với người bệnh tiểu đường, khẩu phần có nhiều rau cải dưới dạng ăn sống, hấp hoặc luộc nhanh (để tránh thất thoát sinh tố) có nhiều lợi ích, nhờ chất xơ:
Không bị phân hủy trong dạ dày và ruột non nên còn nguyên khi xuống đến ruột già. Nhờ đó khối chất phế thải trong ruột già có đủ dung tích để gây nhu động cần thiết cho chức năng đại tiện. Khẩu phần dồi dào chất xơ vì thế có tác dụng nhuận trường cho người bệnh tiểu đường vốn có khuynh hướng táo bón phần vì thiếu nước, phần vì dễ bị rối loạn chất điện giải do hậu quả của đường huyếttăng cao. Thêm vào đó, biện pháp nhuận trường bằng chất xơ bao giờ cũng dễ chịu và an toàn hơn thuốc tẩy xổ vì không gây tổn hại trên niêm mạc ruột già.
Có tác dụng “trấn an” niêm mạc dạ dày nên góp phần chống cảm giác đói bụng của người bệnh tiểu đường. Vì thế, bữa ăn chiều nên có nhiều chất xơ để người bệnh không bị mất ngủ vì cồn cào suốt đêm.
Hút độc chất nảy sinh từ phản ứng lên men trong khung ruột và qua đó ngăn ngừa nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thường đi kèm với bệnh tiểu đường như viêm trực tràng, trĩ và thậm chí ung thư ruột già.
Kéo chất mật từ gan đổ xuống khung ruột ra ngoài cho nhanh. Chính nhờ không thừa mật trong ruột mà ung thư ruột già khó thành hình. Khẩu phần dồi dào chất xơ là phương tiện gián tiếp phòng chống tình trạng tăng chất mỡ trong máu, mối nguy hàng đầu của người bệnh tiểu đường vì dẫn đến đủ loại biến chứng, từ xơ vữa mạch máu cho đến thoái hóa võng mạc.
Những lưu ý khi lựa chọn chất xơ cho bệnh nhân bị tiểu đường
Chất xơ không chỉ có trong rau cải mà cũng rất dồi dào trong nấm sấy khô, rong biển, mè đen. Chính vì thế, nhiều bác sĩ thường khuyên người bệnh phối hợp các món này để mượn tác dụng ổn định đường huyết của nấm đông cô, thông mạch của nấm mèo, và điều hòa chức năng tuyến giáp của rong biển.
Chất xơ không cần phải có lượng cao mới tác dụng. Trái lại, quá nhiều chất xơ dễ sinh đầy bụng. Nhu cầu hàng ngày để không bị táo bón, phòng ngừa bệnh biến dưỡng cũng như giải độc cho cơ thể chỉ là 30g. Hàm lượng đó hoàn toàn khả thi nếu trong mỗi bữa ăn có khoảng 100g rau cải.
Không riêng với bệnh tiểu đường, rất nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thành hình một cách oan uổng chỉ vì chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ.
Theo BS. Lương Lễ Hoàng