Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định như vậy trong buổi họp chiều 14 - 12 về đánh giá một năm thực hiện chủ trương chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm ngăn chặn "vấn nạn" đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Ba địa phương của Quảng Ninh áp dụng biện pháp này là TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và TP Uông Bí.
Giải pháp Quảng Ninh đưa ra để ngăn chặn vấn nạn này là không cấp phép cho bất kỳ ai dạy, học thêm, chấm dứt toàn bộ việc dạy, học thêm chương trình kiến thứ phổ thông (không bao gồm các môn học ngoại khóa như mỹ thuật, nhạc…).
Tuy nhiên, hiệu trường các trường học được quyền cho phép dạy thêm, học thêm trong các trường hợp thật cần thiết, như bồi dưỡng học sinh giỏi và bổ trợ học sinh yếu kém, trên nguyên tắc tập hợp tất cả học sinh giỏi, hoặc yếu kém của một khối học vào một lớp dạy thêm.
Theo báo cáo, tại Quảng Ninh, sau một năm thực hiện việc chấn chỉnh tình trạng dạy, học thêm, ở các trường học không còn xảy ra tràn lan, nhưng lại chuyển sang hình thức dạy theo nhóm nhỏ dăm bảy học sinh dưới hình thức gia sư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, việc dạy, học thêm cần xuất phát từ nhu cầu của chính học sinh chứ không phải từ nhu cầu của phụ huynh hay giáo viên.
Các chủ tịch công đoàn giáo dục địa phương đều cho hay, việc cấm dạy thêm hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên. Hằng năm, Quảng Ninh dành tới 33% tổng kinh phí chi thường xuyên của tỉnh cho giáo dục, đào tạo…
Chủ tịch tỉnh đưa ra đề xuất, nếu trường học nào cho rằng lương thấp, muốn dạy thêm để tăng thu nhập, thì Sở Nội vụ xem xét giảm biên chế giáo viên trường đó xuống để tạo cơ hội cho giáo viên được lên lớp nhiều, tăng thu nhập…