Các trường đại học mới vẫn liên tục xuất hiện

Trong thời gian qua, một loạt trường đại học mới đã có quyết định thành lập, hoặc được đồng ý chủ trương đầu tư.

Những trường “được ưu tiên”

Ngày 30/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án thành lập Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam theo loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, do Học viện Y khoa Waseda và một số tổ chức, cá nhân của Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Hưng Yên.

Thống kê số lượng trường ĐH, CĐ của Việt Nam. Nguồn: TS Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính)  

Đây là dự án thành lập trường đại học mới nhất tính đến thời điểm này được đồng ý về mặt chủ trương.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1186/QĐ-TTg về việc thành lập Trường ĐH Việt Nhật thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Tổng vốn ban đầu để đầu tư xây dựng Trường ĐHViệt Nhật dự kiến khoảng 330 triệu đô la Mỹ.

Trường Đại học Việt Nhật có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. Trường là cơ sở giáo dục đại học công lập. Trường ĐH Việt Nhật là trường đại học thành viên thứ 7 sau các Trường Đại học: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Kinh tế và Giáo dục thuộc ĐHQGHN.

Trường ĐH Việt Nhật được xây dựng theo mô hình đại học xuất sắc dựa trên nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ cao, liên thông liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và Nhật Bản. Trường đào tạo các trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ với tổng qui mô đào tạo khoảng 6.000 sinh viên.

Theo ước tính của ban soạn thảo dự án, tổng vốn ban đầu để đầu tư xây dựng Trường ĐHViệt Nhật dự kiến khoảng 330 triệu đô la Mỹ, bao gồm: Vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản hơn 200 triệu đô la Mỹ, Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 30 triệu đô la Mỹ, và vốn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản khoảng 100 triệu đô la Mỹ.

Dự án được chia các giai đoạn cơ bản sau: từ năm 2013 đến năm 2016 là giai đoạn chuẩn bị vốn, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ; Giai đoạn từ 2016-2019 sẽ chính thức vận hành và đào tạo học viên trình độ sau đại học (chương trình thạc sỹ) một số ngành/chuyên ngành KHCN mũi nhọn và chuẩn bị tiềm lực để đào tạo tiến sĩ và cử nhân ở giai đoạn sau.

Giai đoạn từ năm 2019 đến 2022 mở rộng đào tạo trình độ tiến sỹ và cử nhân. Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất của Trường Đại học Việt Nhật, đưa vận hành hoạt động đầy đủ công suất tại cả 3 cơ sở của Trường theo mô hình đại học nghiên cứu.

Ngày 24/7, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua Dự án thành lập trường ĐH Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp trường CĐ Sư phạm Hà Nội.

Theo quy hoạch, các ngành nghề đào tạo của trường ĐH Thủ đô Hà Nội được chia thành 2 giai đoạn với các nhóm ngành: sư phạm và quản lý giáo dục; công nghệ và môi trường; văn hóa và du lịch… Thành phố Hà Nội đã phê duyệt địa điểm quy hoạch xây dựng trường tại xã Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh) với diện tích hơn 20 ha, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại địa điểm mới là hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư Dự án thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam theo loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; do Quỹ tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) đầu tư tại TP.HCM.

Ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Trường ĐH Kiên Giang trên cơ sở Phân hiệu của Trường ĐH Nha Trang tại tỉnh Kiên Giang. Trường ĐH Kiên Giang là cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc Bộ GD-ĐT; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của UBND tỉnh Kiên Giang.

Những ĐH đã bị từ chối và đang chờ xem xét

Từ đầu năm tới nay, đã có hai hồ sơ thành lập đại học chính thức bị “từ chối. Ngày 9/5, Văn phòng Chính phủ có công văn trả lời Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Khánh Hòa về Đề án thành lập trường ĐH Khánh Hòa.

Theo công văn này, “xét đề nghị của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt chủ trương thành lập trường ĐH Khánh Hòa trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Nha Trang và Trường CĐ Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo cần hạn chế tối đa việc thành lập thêm các trường ĐH, trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần xem xét kỹ nhu cầu nhân lực của tỉnh Khánh Hòa và khu vực đối với những chuyên ngành mà trường dự kiến mở đào tạo”.

Xét đề nghị của Bộ GD-ĐT ngày 22/5 về hồ sơ dự án thành lập ĐH Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, ngày 5/6 Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo chỉ đạo này, trước mắt, hạn chế tối đa việc thành lập, cho phép thành lập thêm các trường đại học, cao đẳng, trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT, trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng mạng lưới trường đại học, cao đẳng trong cả nước để có đề xuất phù hợp về các giải pháp kiện toàn, củng cố và mở rộng mạng lưới trong thời gian tới.

Một trong những đề án nâng cấp trường mới nhất được biết tới rộng rãi là Đề án nâng cấp Trường Cán bộ TP.HCM thành Học viện Cán bộ TP.HCM (với tên tiếng Anh là Institute for Cadre Development of HCM city, viết tắt ICD). Cuối tháng 4/2014, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định đề án sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận.

Trước đó, cuối tháng 3/2014, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn hoặc thuộc quyền quản lý. Trong văn bản này nêu rõ "Bộ GD-ĐT sẽ dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nâng cấp và thành lập mới trường đại học, cao đẳng. Đồng thời xem xét báo cáo và đề xuất Thủ tướng phương án xử lý đối với những hồ sơ nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng đã gửi về Bộ trước thời điểm ban hành công văn".

Tính đến tháng 6/2014, tổng số các trường ĐH, CĐ là 433, trong đó số trường công lập là 347 trường, số trường ngoài công lập là 86 trường. Đã có không ít ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng số lượng trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là đại học công, phát triển quá nóng trong thời gian vừa qua, dẫn tới sự hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí trong việc sử dụng ngân sách cũng như nguồn nhân lực.

Theo Ngân Anh

Theo VietNamNet