Các nhà đầu tư Ả-rập Xê-út muốn mở ra 'chân trời' hợp tác mới với Việt Nam

TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tầm nhìn và định hướng phát triển của Việt Nam và Ả-râp Xê-út tới năm 2030 có rất nhiều điểm tương đồng. Hai nền kinh tế có thể bổ sung, đẩy mạnh những lĩnh vực mới nổi, như phát triển đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Sáng 19/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ả-rập Xê-út. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp của Ả-rập Xê-út tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ả-rập Xê-út.

Điểm tương đồng trong tầm nhìn phát triển

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát về tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam, đồng thời khẳng định sự đồng hành, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Ả-rập Xê-út đầu tư vào Việt Nam.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tầm nhìn và định hướng phát triển của hai nước có rất nhiều điểm tương đồng, nhất là những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Hai nền kinh tế có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, với chủ trương đẩy mạnh những lĩnh vực mới nổi, như phát triển đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…

Mặt khác, theo Thủ tướng những kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư vừa qua giữa hai nước cho thấy dư địa hợp tác giữa hai bên còn nhiều, tiềm năng còn rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với nguồn lao động dồi dào, trình độ ngày càng cao, phù hợp với những định hướng của Ả-rập Xê-út.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn

Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam cam kết luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

“Chúng tôi chào mừng, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh”, Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định với vị thế và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam và Ả-rập Xê-út có vai trò quan trọng tại khu vực ASEAN và GCC.

Vì vậy, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Ả-rập Xê-út sẽ phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối để doanh nghiệp hai bên không chỉ cùng tham gia thị trường lẫn nhau mà còn mở rộng ra cả khu vực tiềm năng, rộng lớn ASEAN và GCC.

Việt Nam là điểm khởi đầu của hành lang kinh tế quan trọng

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hassan Al Hwaiziy, Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại Ả-rập Xê-út cho rằng, với nỗ lực giữa Chính phủ thời gian qua, doanh nghiệp hai nước đã đẩy mạnh hợp tác.

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ả-rập Xê-út giữa hai bên đạt 2,2 tỷ USD vào 2021, tăng lên trên 3 tỷ USD vào 2022. Ả-rập Xê-út hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại Trung Đông.

Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ả-rập Xê-út.

Theo ông, Hassan Al Hwaiziy, năm ngoái tổng kim ngạch xuất khẩu của Ả-rập Xê-út là hơn 400 tỷ đô trên toàn thế giới, trong đó hơn tỷ USD là xuất khẩu sản phẩm phi dầu mỏ.

Lợi thế cạnh tranh của Ả-rập Xê-út là các siêu thành phố, siêu đô thị, cùng với đó là các sáng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu, hành lang kinh tế giữa Ấn Độ, các nước vùng Vịnh, châu Âu. Trong đó Ả-rập Xê-út đóng vai trò trục chiến lược và Việt Nam đóng vai trò là điểm khởi đầu của hành lang này.

"Các lĩnh vực khác như du lịch, giải trí, truyền thông… đều mở ra những chân trời hợp tác mới giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên", ông Hassan Al Hwaiziy nói.

Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ cung cấp biện pháp thu hút đầu tư và cơ hội sản xuất, dịch vụ mà Việt Nam có nhiều thế mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực đã đầu tư thành công như thép, năng lượng mặt trời. Cùng với đó, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm phẩm, dệt may… để tăng gấp đôi quy mô hợp tác cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam so với hiện nay.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả-rập Xê-út, biên bản ghi nhớ giữa Công ty Đầu tư công nghiệp Zamil (ZIIC) và Công ty TNHH Việt Nam thép xây dựng Zamil (ZSV) về dự án mở rộng ZSV tại Việt Nam (2023-2030), biên bản ghi nhớ giữa Vietravel và Công ty Du lịch ITL về hợp tác trong lĩnh vực du lịch, biên bản ghi nhớ giữa Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út và Công ty Data Management Cooperation về hợp tác thúc đẩy thương mại.