> Không thể khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông
> Có thể xử phạt giao thông qua tài khoản cá nhân
Ông Thăng là người trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH, còn ông Quang và ông Dũng tham gia trả lời thêm.
Nghiêm cấm lãnh đạo can thiệp xử lý vi phạm giao thông
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, 80% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) là do ý thức của người điều khiển phương tiện, nên phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Ngoài ra, phải tăng cường quản lý hoạt động vận tải, nhất là vận tải bằng ô tô khách. Ông Quang đề nghị ban hành phiếu kiểm soát lái xe để theo dõi vi phạm, đạo đức của người lái xe, xử lý kịp thời những người thường xuyên gây ra TNGT, vi phạm trật tự ATGT...
Bộ trưởng Trần Đại Quang còn đưa ra giải pháp đẩy mạnh xử phạt vi phạm qua hình ảnh vì đã trang bị hệ thống camera ở nhiều tuyến đường trọng điểm trong thành phố lớn. Bộ trưởng Quang cũng đề nghị yêu cầu chủ phương tiện nộp một khoản tiền hay mở tài khoản để ràng buộc trách nhiệm trước khi đưa phương tiện tham gia giao thông. Sau đó, áp dụng xử phạt thông qua tài khoản hoặc phạt trực tiếp bằng tem.
Ngoài ra, công khai trên phương tiện giao thông đại chúng danh tính những người vi phạm trật tự ATGT nghiêm trọng. “Chúng tôi cũng đề nghị phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức nhà nước can thiệp vào những vụ xử lý vi phạm trật tự ATGT. Có như vậy mới đảm bảo xử lý một cách nghiêm minh”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nói.
10 năm nữa cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói: Theo dự báo, trong các năm tới, tình hình ùn tắc giao thông sẽ được cải thiện không nhiều do quá trình tăng phương tiện cá nhân cũng như việc đầu tư phát triển hạ tầng rất chậm so với yêu cầu phát triển đô thị vì thiếu vốn.
"Đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng, tôi đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc chất tải thêm các công trình cao tầng. Mục tiêu là 10 năm nữa cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn, 15 năm nữa giải quyết triệt để", Bộ trưởng Dũng nói.
Muốn vậy, cần tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan phát triển đô thị như Luật Đô thị, giảm áp lực người dân từ các địa phương khác về đô thị trung tâm, điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô và TPHCM, ông Dũng nói. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc tăng dân số cơ học ở nội thành, xây dựng các khu đô thị mới để chuyển dần dân ở 4 quận nội thành Hà Nội và khu vực nội thành TPHCM ra bên ngoài.
Đồng thời nhanh chóng di dời các cơ sở đào tạo ra khỏi nội thành Hà Nội để chuyển 20 - 30 vạn sinh viên ra bên ngoài, chuyển một số cơ quan trung ương ra khu vực Tây Hồ Tây hoặc Mỹ Đình...
Nhà quản lý chịu trách nhiệm trước tiên
Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè bị mang cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành giao thông vận tải đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân”.
“Nếu như sau phiên chất vấn, đánh giá rõ thực trạng, tìm ra nguyên nhân, thấy được trách nhiệm và đưa ra được giải pháp để giải quyết vấn đề thì Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét cho ban hành nghị quyết của phiên họp chất vấn”. - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.
Theo ông Thăng, tai nạn, ùn tắc là hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc cũng gặp. “Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước”, Bộ trưởng Thăng nói.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, 70% TNGT liên quan người điều khiển phương tiện và cũng do một số trung tâm đào tạo lái xe không đảm bảo chất lượng. “Bộ trưởng có dám dẹp các trung tâm kém chất lượng?” - ĐB Hải hỏi. “Nếu trung tâm sát hạch vi phạm 3-4 lần thì phải ngừng, nếu nghiêm trọng thì giải tán”, Bộ trưởng Thăng trả lời.
Về xử lý người vi phạm, Bộ trưởng Thăng cho biết, ngành giao thông kiên quyết xử lý cao nhất, nghiêm khắc nhất đối với trường hợp lái xe sử dụng rượu bia. “Thậm chí hiện nay chúng tôi đề xuất với mức độ cao hơn, ví dụ như các nước xung quanh, như Trung Quốc say rượu là cho tù ít nhất 15 ngày và tùy mức độ say, thậm chí đến 3 tháng và nhiều năm”, ông Thăng nói.
Thừa nhận thực trạng tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện giao thông, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ kiểm điểm, cách chức cán bộ sai phạm. “Không thể chấp nhận việc vì lợi ích của một hoặc một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến nhiều người khác”, ông Thăng nói.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ giải pháp giải quyết tình trạng công trình kém chất lượng. “Nguyên nhân do công nghệ hay do thất thoát? Nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ có quy định tuổi thọ công trình, có hay không việc bán thầu?” - ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, không thể tránh khỏi chuyện thất thoát trong thi công, chuyện bán thầu; Bộ sẽ thay thế các nhà thầu không đảm bảo chất lượng. “Còn việc có dự báo tuổi thọ công trình xin báo cáo, theo qui định hiện nay không có dự báo cũng như quy định dự báo, bởi vì tuổi thọ công trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”, ông Thăng nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các ĐB đã đặt câu hỏi đúng trọng tâm vấn đề: Tai nạn giao thông đang diễn ra rất nghiêm trọng, có người gọi là thảm họa, có người gọi là quốc nạn; cần giải phóng tư duy, giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông. Chủ tịch Quốc hội tán thành mục tiêu giảm 5-10% tai nạn giao thông mỗi năm và lấy năm 2012 làm năm thiết lập lại kỷ cương ngành giao thông.