Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực phụ trách
Ông đã nói về các bước đột phá trong lĩnh vực giao thông, vậy triển khai như thế nào?
Để thực hiện được đột phá về hạ tầng giao thông, Bộ GTVT ngoài việc là nơi đề xuất thì cần phải có sự trao đổi với các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính. Trước hết, muốn có đột phá, phải có cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư. Có nhu cầu lớn nhưng mình không huy động được nguồn lực của toàn xã hội thì không thể triển khai được.
Thứ 2, phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư để thu hút nhà đầu tư. Thứ 3, cơ chế đột phá các thủ tục triển khai. Lâu nay, chúng ta mất quá nhiều thời gian từ thủ tục đấu thầu đến giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Trong thực tế, có những vấn đề mà chính cương vị Bộ trưởng cũng không thể quyết, vậy “tư lệnh” lĩnh vực như ông sẽ làm gì?
Việc đầu tiên là phải xây dựng cơ chế. Cái gì Bộ quyết được thì đề nghị Chính phủ phân cấp để người đứng đầu Bộ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đá lên, xin ý kiến Thủ tướng. Thậm chí, cần chủ động trong việc phối hợp với các bộ liên quan. Tránh chuyện việc này các bộ ngồi với nhau có thể giải quyết được, nhưng lại không quyết mà trình lên Thủ tướng.
Muốn quyết đoán trước hết phải tranh thủ được trí tuệ tập thể. Công khai, minh bạch để tập trung được trí tuệ tập thể. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, cần vai trò cá nhân, nhất là người đứng đầu thì phải dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu. Miễn là quyết định đó có lợi cho tập thể, có lợi cho đất nước.
Chuyện đường sắt cao tốc, trước đây dư luận xôn xao này, nay ở cương vị mới, ông có dám quyết không?
Tàu cao tốc, đường sắt cao tốc là một phương thức vận tải hiện đại, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Bản thân sự tồn tại của loại hình này không có gì là xấu cả. Đất nước chúng ta đang tăng tốc để phát triển với mục tiêu năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Và rồi đất nước ta sẽ phải trở thành nước phát triển, chứ không thể đang phát triển mãi được. Mà một nước phát triển thì phải cần các loại hình phương tiện giao thông hiện đại. Tôi nghĩ, đến thời điểm đó, chúng ta sẽ quyết định các phương thức hợp lý.
Giao thông phải phát triển đồng bộ, chứ không thể chỉ tập trung vào đường bộ, đường không hay đường sắt... Do đó, quyết định đầu tư đường sắt cao tốc lúc nào, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội quyết định khi đã hội đủ các điều kiện kinh tế, xã hội và nhu cầu thực tế.
Xây dựng đội tàu biển hùng mạnh trên biển Đông
Người tiền nhiệm ông từng nhắc nhiều tới tuyến vận tải biển Bắc Nam, vậy ông thì sao?
Đây là điều cần thiết. Nước ta có lợi thế đường biển, nhưng hiện vận tải biển Bắc - Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sự hiện diện của tuyến vận tải này không chỉ đơn thuần có lợi về mặt kinh tế, mà còn thể hiện chủ quyền trên biển của chúng ta. Tới đây, tôi nghĩ Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện theo quy hoạch chung phát triển ngành GTVT mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Trong tương lai, liệu có đội tàu vận tải hùng mạnh nào của nước ta xuất hiện trên biển Đông không?
Hoàn toàn có thể và chúng ta phải làm điều đó. Bởi vì vận tải biển không những rẻ hơn các loại hình khác, ý nghĩa hơn thế là sự xuất hiện đội tàu hùng mạnh cũng thể hiện sự đảm bảo chủ quyền trên biển của nước ta.
Đã có hành lang cho hàng không tư nhân hình thành nhưng hiện phát triển èo uột?
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tạo hành lang pháp lý cho hàng không tư nhân phát triển. Kể cả Tổng Cty Hàng không Việt Nam cũng phải thực hiện cổ phần hoá để thu hút nguồn lực khác cùng tham gia đầu tư. Tất nhiên, mức độ, tỷ lệ cổ phần chi phối thế nào phải được Chính phủ quyết định.
Dường như hiện nay, Bộ GTVT mới chỉ quan tâm nhiều tới đường bộ, mà chưa chú trọng giao thông đường thủy. Trong khi đó, mỗi khi đắm thuyền, chìm phà, tổn thất vô cùng lớn?
Mấu chốt để khai thác được đường thủy cũng như đường biển là phải đầu tư xây dựng được hệ thống giao thông kết nối. Nếu bây giờ ra bến tàu mà đường bộ không thuận tiện thì khó thực hiện được kết nối. Hơn nữa, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, kiểm soát về đăng kiểm.
Theo tôi, Cục Đăng kiểm hằng tháng phải thông báo công khai, cho cả báo chí các phương tiện sắp hết hạn đăng kiểm. Bản thân người dân cũng phải biết việc đó để không đi, tẩy chay phương tiện hết hạn đăng kiểm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải phạt nặng, tăng cường chế tài với những đối tượng cố tình vi phạm.
Dứt khoát dẹp bỏ đường ngang trái phép
Ông nghĩ sao về tai nạn giao thông liên quan đường ngang dân sinh trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện xảy ra thường xuyên?
Trong 5 năm tới của nhiệm kỳ này, ngành GTVT phải đạt được sự tăng tốc. Có thế mới thực hiện được các đột phá của Chính phủ. Làm việc gì mà chả phải cố gắng. Có khó khăn thì khi vượt qua mới thấy sướng chứ. Vợ con tôi lo lắng, nhưng động viên, chia sẻ vì họ biết cá tính tôi là chinh phục rồi”. - Ông Đinh La Thăng.
Tôi cũng đã nghe nhiều về chuyện này. Chắc chắn phải có sự rà soát lại hệ thống đường ngang. Cái nào mở trái phép thì dứt khoát dẹp bỏ. Muốn làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GTVT với các địa phương.
Làm sao để phân cấp trách nhiệm giữa ngành GTVT, giữa đường sắt với địa phương để có trách nhiệm hết sức rõ ràng. Bên cạnh đó, người dân cũng phải ý thức được việc này. Chứ không phải vì sự thuận tiện mà nhảy qua đường sắt không có rào chắn hợp pháp để đi.
Liệu ông có bị ảnh hưởng cái gọi là tư duy nhiệm kỳ?
Với tôi không có chuyện tư duy nhiệm kỳ, kiểu hôm nay làm ở đây, mai lại nghĩ làm chỗ khác. Quan điểm của tôi là làm ở đâu thì làm, nhưng phải tới nơi, tới chốn, phải ra kết quả công việc. Ngay như bây giờ, tôi mới được phê chuẩn sang ngành giao thông, nhưng những gì bên dầu khí còn dang dở, tôi vẫn phải tập trung làm, không có chuyện bỏ bê.
Người ta nói “tân quan tân chính sách”. Ông liệu có gây xáo trộn khi sang điều hành công việc ở nơi mới?
Không nhất thiết phải làm thế. Cái gì chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới thì thay đổi cho phù hợp. Sự đổi mới này là theo yêu cầu của nhiệm vụ, chứ không phải cứ bộ trưởng mới là thay đổi mới.
Cảm ơn ông.
Đình Thắng thực hiện