Ca sĩ - Giảng viên thanh nhạc Lan Anh: 'Đó là lỗi của người lớn'
> Hát thính phòng cũng có “đại gia” hâm mộ
> ‘Hoàn vũ’ nhờ vay mượn
Rõ ràng, tài năng đâu phải là cái tội. Nhưng chúng ta đang biến nó thành tội lỗi. Vì tung hô là một điều không tốt chút nào, nhất là đối với những đứa trẻ chưa thể nhận định được mọi khía cạnh của vấn đề.
Có lẽ lâu rồi thị trường âm nhạc mới lại rộ lên khái niệm “tài năng nhí”. Nhưng việc ứng xử với các tài năng này vẫn “dẫm phải vết xe đổ” là được tung hô quá nhiều. Là một nghệ sĩ và cũng là một giảng viên, chị nghĩ gì về điều này?
Đó chính là lỗi lớn của người lớn chúng ta. Rõ ràng, để phát hiện được những tài năng này là vô cùng khó. Nhưng dường như chúng ta chưa biết trân trọng những “của hiếm” này.
Thực tế là chúng ta đã có rất nhiều những tài năng nhí. Trong môi trường âm nhạc trước đây đã có hiện tượng Xuân Mai. Nhưng thời của Xuân Mai, truyền thông cũng như công nghệ giải trí chưa phát triển mạnh như bây giờ. Phải nói là cô bé vẫn còn “hạnh phúc” hơn nhiều những “tài năng nhí” hiện tại như Quang Anh, Phương Mỹ Chi...
Rõ ràng, tài năng đâu phải là cái tội. Nhưng chúng ta đang biến nó thành tội lỗi. Vì tung hô là một điều không tốt chút nào, nhất là đối với những đứa trẻ chưa thể nhận định được mọi khía cạnh của vấn đề.
Vậy còn việc, để trẻ chạy show đi kiếm tiền quá sớm thì sao thưa chị?
Điều đó chắc chắn là không nên. Dù ít, dù nhiều thì nó cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Hãy để cho các bé được hồn nhiên theo đúng lứa tuổi của mình.
Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, khi đang “hot” thì phải biết tận dụng cơ hội để làm một điều gì đó, chứ không lẽ nổi tiếng rồi, đoạt giải rồi lại đứng im hoặc lặn mất tăm?
Lan Anh không phản đối việc để các bé hát, nhưng hãy để các bé được sống đúng với tuổi, đứng đúng với sân khấu dành cho mình... Không có những catse béo bở, không quá nhiều dư luận ồn ào...
Có thể, nhiều phụ huynh nghĩ rằng, con mình được đứng trên sân khấu là điều tốt, được nổi tiếng, được nhiều người biết đến, hơn nữa lại... kiếm được tiền. Nhưng Lan Anh nghĩ, cái mất là lâu dài.
Bên cạnh đó, còn nhiều đối tượng ảnh hưởng khác, là công ty khai thác, là xã hội, là sự thương mại hóa nghệ thuật...
Nghĩa là “tội lỗi” có hệ thống, thưa chị?
Trước hết, nói về những chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em hiện nay, mình không phản đối những sân chơi dành cho các bé, nhưng dường như đang có sự định hướng lệch lạc. Mà điển hình như chương trình The Voice Kids vừa qua. Mình không rõ là có phải tuân thủ một cách chuẩn xác theo đúng kịch bản hay không? Nhưng quả thực những gì để lại thì mình hơi thất vọng.
Thí sinh theo mình được biết là chọn bài theo định hướng của các huấn luyện viên, nhưng mình thấy không được tốt cho lắm. Các huấn luyện viên thường xuyên để các em hát những ca khúc quá tuổi. Điều này rất phản cảm bởi như vậy chẳng khác gì sân chơi cho người lớn thu nhỏ. Đừng nói là thiếu ca khúc thiếu nhi. Ở những chương trình tương tự, người ta vẫn làm rất tốt.
Thứ hai là do truyền thông. Với sự phát triển của truyền thông như hiện tại, thông tin đa chiều nhanh nhạy, nhưng nhiều khi mắc lỗi là tung hô các bé quá nhiều, có khi còn vượt qua sự thật, rất dễ đem đến mối ảo tưởng dành cho các em.
Thứ ba là do yếu tố thị trường. Có quá nhiều những đơn vị, công ty... nhăm nhe “làm giàu trên lưng” những đứa trẻ. Công nghệ, kỹ xảo, hợp đồng, PR... tất cả các quá trình mà một giọng ca nhí trải qua chẳng khác nào cho một ca sĩ chuyên nghiệp, mà nhìn vào đó thôi cũng khiến người ta phát sợ.
Bởi vậy, mới có những lo lắng cho rằng, tài năng nhí rồi cũng sớm “chết yểu” là thường thấy ở xứ ta?
Lan Anh nghĩ rằng, truyền thông phải là lực lượng có tiếng nói đầu tiên, tác động đến những nhân tố còn lại. Ngay chính truyền thông bây giờ cũng rơi vào trạng thái thật - giả lẫn lộn nên những lời khen - chê, tung hô các tài năng nhí cũng không ... biết đâu mà lần. Vì vậy, trước tiên phải khẳng định truyền thông có sức quyết định lớn, ảnh hưởng đến con đường phát triển của trẻ.
Chúng ta cứ tự vấn rằng: Tại sao những tài năng nhí nổi nhanh đó, nhưng mấy ai đi được đến cuối con đường?
Sự thật là tiền lệ trong nghệ thuật đã có và vẫn có những trường hợp như thế.
Còn yếu tố chủ quan nữa là các em vẫn đang trong tuổi ăn, tuổi lớn, chất giọng cũng sẽ còn phải thay đổi. Hiện tại, giọng ca của các em hay, nhạc cảm của các em tốt, nhưng việc có gìn giữ được đến sau này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu được đào tạo tốt thì các bé sẽ phát triển tốt, còn không thì cũng tùy duyên, mình đâu có thể bắt.
Vậy, theo chị thì chúng ta nên “ứng xử” thế nào với những tài năng nhí?
Vì còn quá nhiều bất cập như vậy nên một cá nhân cũng chẳng thể làm được gì cả. Lan Anh chỉ hy vọng góp thêm vào một tiếng nói. Còn tất cả phải được tiến hành đồng bộ.
Lan Anh vẫn giữ quan điểm của mình là để các bé tránh xa những sân khấu chỉ để kiếm tiền. Hãy để bé được đứng đúng với sân khấu của mình, ở đó chỉ có sự hồn nhiên, trong sáng, không vụ lợi. Và đương nhiên, không làm ảnh hưởng đến công việc chính của bé là học tập.
Thêm nữa, với công nghệ PR phát triển, những lời tung hô, khen tặng phần nào đó tiếp tay cho việc câu khách, kiếm show... và vô tình lại kéo theo nhiều hệ lụy. Một mặt là khiến các bé tự cao, tưởng mình đã là ngôi sao. Điều này rất tai hại.
Thay vì dành những lời khen tặng quá đà, hãy để cho các bé hiểu rằng: điều đó cũng là bình thường, đáng khen tặng nhưng không đồng nghĩa với tung hô. Đó là chưa kể, tài năng của các bé mới chỉ dừng ở mức độ năng khiếu. Việc phát triển và đi đến con đường chuyên nghiệp không nằm ở ngày một, ngày hai được.
Vậy mới nói, nổi tiếng là một quá trình chứ đâu phụ thuộc vào mấy cuộc thi hát. Người lớn chúng ta hãy chỉ dừng ở việc khích lệ các bé mà thôi.
Theo Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng
Công An Nhân Dân