Kiếm 14 tỷ đồng trong hai đêm?
Kho cổ vật tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển ở xã Bình Châu từ lâu được nhiều người truyền miệng. Nhưng 2 ngày qua, kho cổ vật dưới đáy biển này bị xới tung.
Tại hiện trường, cả đoàn tàu quây thành một chùm nổ máy ầm ầm. Đoàn tàu thả neo bám chặt một chỗ khiến các lực lượng chức năng không làm gì được. Hàng trăm ngư dân ngang nhiên chúi đầu lặn tìm cổ vật.
Những chiếc máy nén khí trên các tàu cá chạy hết công suất. Hơi được thổi xoáy vào lòng biển. Ngư dân ngậm dây hơi, ôm ống thổi lặn xuống nước để thổi khoét đáy biển, moi tìm cổ vật.
Một ngư dân trồi lên mặt nước, tay giơ một giỏ bát đĩa men ngọc, miệng cười hớn hở. Các ngư dân trên tàu ào tới, vạch ngực áo ngư dân này và lôi ra thêm một chục bát gốm men nâu giấu nhanh vào khoang tàu.
Trên bờ, một phụ nữ chạy rẽ nước, trên vai quàng một giỏ cổ vật gồm các loại chén đĩa. Ngư dân Nguyễn Văn Khánh với khuôn mặt rỗ, mắt liếc đầy bặm trợn, đưa tay chộp giỏ cổ vật, lên tiếng thách thức phóng viên không cho quay phim, chụp ảnh rồi rồ ga ầm ầm bỏ chạy về xóm Ghành Cả.
Tin đồn về ngư dân kiếm tiền tỷ từ cổ vật đã lan nhanh khắp xóm. Nhiều người nói, đến thời điểm này, có ngư dân đã trúng được 14 tỷ đồng sau 2 đêm lặn cổ vật.
Thông tin trên khiến cả trăm ngư dân kéo tàu lặn tới. Cả một vùng biển náo loạn vì âm thanh ầm ầm của tàu bè.
Tại xóm Ghành Cả, những chiếc xe mang biển số TPHCM, Huế, Hà Nội đổ về để nghe ngóng thông tin, tìm nguồn hàng.
Theo các ngư dân, một chiếc đĩa men ngọc, đường kính 35 cm được với giá 60 triệu đồng. Ở xóm Ghành Cả, có ngư dân kiếm được khoảng 200 chiếc đĩa loại này.
Những con tàu chìm
Bà Lê Thị Chung, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Phát hiện kho cổ vật ở vùng biển này càng chứng minh về con đường thông thương trên biển từ nhiều thế kỷ trước.
Thôn Châu Thuận Biển cũng là một nơi trú ngụ của tàu bè. Theo những cụ già trong làng, hàng trăm năm trước, nhiều tàu buôn đã vào trú bão tại eo biển Châu Thuận.
Theo tài liệu lịch sử, có khả năng các tàu buôn khi hành trình dọc theo biển Đông, qua eo biển Malacca, Indonesia về thương điếm Ma Cao, Kẻ Chợ (ở Đàng ngoài), hoặc Trung Quốc đã ghé vào dừng chân ở Châu Thuận Biển.
Trước năm 1954, vẫn còn nhiều thuyền buồm chở hàng đến khu vực này trú bão. Nhiều tàu bị sóng đánh gãy buồm gây
chìm thuyền.
Eo biển Châu Thuận trước đây tên là Vũng Tàu. Ngư dân địa phương từng phát hiện nhiều cổ vật của một con tàu chở gốm sứ Chu Đậu, gạch, hàng hóa có niên đại cách đây vài trăm năm bị đắm.
Giờ đến lượt tàu chở bát, đĩa gốm men ngọc, men nâu lại được phát hiện, vị trí 2 con tàu cách nhau chỉ vài trăm mét.