Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TPHCM khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7 đến 22/9 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt. Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TPHCM.
Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách li, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TPHCM).
Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để tiếp tục cách li, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gene tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gene và tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lí ổ dịch, cách li, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách li, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Real time PCR, giải trình tự gene, cho thấy đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.
Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện loạt biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời….
Đánh giá về ca bệnh này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Các trường hợp tiếp xúc như người thân gia đình, cán bộ y tế đã có giám sát. Hiện tại, đến nay hơn 10 ngày trôi qua, các đối tượng tiếp xúc chưa có biểu hiện mắc đậu mùa khỉ. Chúng tôi đánh giá chúng ta đã khoanh vùng và khó có khả năng lây dịch ra cộng đồng”.
Triển khai các biện pháp cấp bách phòng dịch
Trước việc Việt Nam đã có ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Bộ Y tế cũng nêu rõ khi ghi nhận trường hợp bệnh cần khẩn trương thực hiện điều tra kĩ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lí, xử lí kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách li, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của các quốc gia rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chẩn đoán bệnh, cập nhật tài liệu truyền thông. Tiếp tục cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát dịch bệnh, truyền thông nguy cơ, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế. Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đối với người dân.