Buôn lậu gỗ, mua chuộc kiểm lâm

TP - Ngoài việc câu kết với nhân viên đường sắt, các đối tượng trong đường dây buôn lậu gỗ từ Bình Định đi các tỉnh phía Bắc còn mua chuộc cả cán bộ kiểm lâm để làm giả “lý lịch” cho số hàng.

Ngày 2/4, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố 8 bị can trong đường dây trên về các tội danh: Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa và nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý và tính đặc thù của vận tải hàng hóa bằng đường sắt tại ga Diêu Trì (TP Quy Nhơn) và ga Bình Định (huyện An Nhơn, Bình Định), Trần Ngọc Thơ – nguyên thư ký hóa vận ga Bình Định đã câu kết với Trần Văn Minh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiếu Phát (địa chỉ tại Pleiku) cùng một số đối tượng làm giả hồ sơ, sử dụng hồ sơ khống để vận chuyển và buôn bán gỗ (có cả gỗ quý hiếm như hương, trắc) với số lượng lớn.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, từ tháng 10/2011đến đầu năm 2012, Trần Ngọc Thơ với trách nhiệm là thư ký hóa vận ga Bình Định đã tiếp nhận vận chuyển gỗ trái phép trên 9 toa tàu cho Trần Văn Minh, Phạm Ngọc Quyền, Phạm Văn Ánh; đã phô tô và sử dụng bộ hồ sơ giả đứng tên Cty TNHH Tân Phát Đạt để vận chuyển trái phép hơn 315m3 gỗ nhóm IIA và gần 6m3 gỗ thông thường.

Cùng đó, bị can Trần Văn Minh bị cáo buộc đã lập hồ sơ lâm sản không đúng quy định, không đúng với gỗ thực tế để bán, vận chuyển trái phép hơn 219 m3 gỗ nhóm IIA từ tỉnh Phú Yên đến ga Từ Sơn (Bắc Ninh). Bị can Phạm Huy Tuấn buôn bán, vận chuyển trái phép hơn 57 m3 gỗ nhóm IIA từ ga Diêu Trì đến ga Từ Sơn; bị can Phạm Văn Ánh đã buôn bán, vận chuyển gần 18 m3 gỗ nhóm IIA từ ga Bình Định đến ga Từ Sơn.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng phát hiện bị can trong vụ án là Ngô Văn Tập đã chi 50 triệu đồng “lót tay” cho Đinh Văn Ninh (nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) và Nguyễn Anh Tuấn, nguyên cán bộ kiểm lâm Chi cục kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum để hai người này xác nhận vào biên bản mua gom lâm sản cho các đối tượng hợp thức 15 bộ hồ sơ gỗ.

Cáo trạng cũng nêu rõ bị can Nguyễn Duy Khiêm nhờ Tập làm giả hồ sơ để hợp thức nguồn gốc gỗ đầu vào của Cty TNHH Trường Khiêm, Cty TNHH Khiêm Khang và sử dụng hồ sơ lâm sản giả để bán tổng số 372 ster và 46,43 m3 gỗ nhóm IIA cho các doanh nghiệp tư nhân.

Liên quan đến vụ án, CQĐT Bộ Công an đã có công văn đề nghị cơ quan Thuế, Kiểm lâm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Kon Tum xử lý hành chính một số cá nhân, tổ chức về hành vi cung cấp hóa đơn, lí lịch gỗ không đúng sự thật cho các cá nhân trong vụ án.