Văn học, nghệ thuật miền Nam trước 1975

Bước hòa hợp mới

TP - Tròn 3 năm trước, trên báo Tiền Phong, nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh còn bày tỏ hy vọng đến một ngày văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 sẽ được ghi nhận xứng đáng. Và giờ đây ông báo tin vui: Bộ phận văn học này đã chính thức được ghi nhận là “Di sản văn học nghệ thuật dân tộc”.

Cụ thể, chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa ở Đề án 15 - ĐA/BTGTW về việc nghiên cứu di sản văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 của Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Một số tác phẩm nổi tiếng trước 1975 đã được in lại mới đây Ảnh: T.H.A

- Tiền Phong: Là chuyên gia nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975 từ nhiều năm qua, xin ông cho biết đến thời điểm này những đánh giá, nhìn nhận, chỉ đạo của nhà nước ta về bộ phận VHNT đặc biệt này đã có những chuyển biến và đổi mới nào đáng ghi nhận?

- PGS.TS Trần Hoài Anh: Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, nhằm hiện thực hóa điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác quyết: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Trong thời điểm này, một điều làm cho tôi và những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam vô cùng cảm kích, đó là việc Đảng và Nhà nước đã có một cách nhìn mới quan trọng về nền văn học miền Nam trước 1975 qua việc thay đổi “danh xưng”, mà có một thời không xa nó bị/được gọi là bộ phận “văn học đô thị miền Nam” hay “văn học đồi trụy, phản động”, thì nay được chính thức được tôn vinh là “Di sản văn học nghệ thuật dân tộc”.

Chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa ở Đề án 15 - ĐA/BTGTW về việc nghiên cứu di sản văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 của Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 12.

Nhà NCPBVH Trần Hoài Anh (bên trái) tặng sách nhà phê bình văn học Thụy Khuê trong dịp bà từ Pháp về thăm Việt Nam

Chủ trương này của Đảng và Nhà nước cho thấy rõ tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc trong tình hình mới, sau 50 năm đất nước thống nhất, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển. Không những thế, việc không dùng cụm từ “văn học đô thị miền Nam” cũng tránh được những “mặc cảm” và hiểu lầm không cần thiết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học đã từng sống, sáng tác ở miền Nam, trong đó có nhiều người hiện đang định cư ở hải ngoại.

Để họ hiểu hơn về thiện tâm của chúng ta, cảm nhận được tình tự dân tộc mà hướng vọng về quê hương trong tình dân tộc nghĩa đồng bào. Nhân đây tôi cũng đề nghị từ nay không nên dùng cụm từ “văn học đô thị miền Nam” các bài viết trên báo chí hay trong các công trình nghiên cứu, các giáo trình, sách giáo khoa khi viết về văn học miền Nam, mà nên dùng cụm từ “di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975” như văn bản của Ban Tuyên giáo T.Ư đã nói ở trên để văn học nghệ thuật miền Nam có một danh xưng đúng với “nhân vị” của nó trong nền văn học nước nhà.

- Bốn năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó không còn nhắc tới các khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam. Ông có nhận xét gì về việc đưa Nghị định này vào thực tế cuộc sống thời gian qua?

- Có thể nói, Nghị định 144/2020/NĐ-CP, qui định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó không còn nhắc tới khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”) là một quyết định đúng đắn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng yêu nhạc cả nước, ở mọi tầng lớp từ giới “bình dân” cho đến “bác học”, nghĩa là chủ trương ấy rất hợp với lòng dân.

Từ khi có Nghị định này, di sản âm nhạc miền Nam trước 1975 như được chắp thêm đôi cánh để tiếp tục lan tỏa vào đời sống. Chúng ta có thể nhìn thấy qua các chương trình biểu diễn ca nhạc như Tình khúc vượt thời gian, Những khúc vọng xưa... trên sóng của Đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương.

Đặc biệt là các chương trình thi giọng hát Bolero của Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài truyền hình Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau về khám phá thế giới âm nhạc của các nhạc sĩ sáng tác trước 1975 như Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Thanh Sơn, Anh Bằng, Song Ngọc, Y Vân, Hoàng Trọng, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng. Vũ Thành An, Hoàng Thi Thơ... đã thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là người trẻ sinh trưởng từ sau 1975 ở các tỉnh phía Bắc. Dù không có “truyền thống” hát các loại nhạc miền Nam trước 1975, nhưng qua các cuộc thi, họ đã hát rất hay, rất “mùi” về các loại nhạc này. Thế mới biết, nghệ thuật chân chính không có giới tuyến.

- Sau hơn 20 năm nghiên cứu về văn học miền Nam, xin ông cho biết hành trình cá nhân ấy đã góp phần những gì vào việc thay đổi nhận thức chung về hòa hợp trong văn chương?

- Thú thực qua nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy văn nghệ miền Nam 1954-1975, tôi chỉ nghĩ đơn giản, là một nhà khoa học tôi rất hạnh phúc khi chọn được lĩnh vực nghiên cứu mà mình đam mê để mỗi khi ngồi vào bàn viết không có tâm lý chán nản là mình làm một việc không có ích, thế thôi! Còn việc góp phần làm một điều gì đó như nhà báo hỏi thì tôi hoàn toàn không nghĩ đến, vì nó vượt quá tâm trí và năng lực nhỏ bé của mình. Bởi “một con én không làm nên mùa xuân”. Vì vậy, khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước nhìn nhận văn học nghệ thuật miền Nam là di sản cần được nghiên cứu để bảo tồn, tôi rất vui mừng vì nghĩ rằng những gì mình đã làm trong nhiều năm qua không phải là điều vô ích.

Riêng tôi trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy văn học miền Nam 1954-1975, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Văn học về đề tài “Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975”, và chỉnh sửa in thành sách chuyên luận (Nxb. Hội Nhà văn, 2009), tôi đã viết trên 30 bài báo đăng ở kỷ yếu các Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế và các tạp chí chuyên ngành, các báo chí…

Tôi cũng đã tham gia đề tài cấp Nhà nước Tư tưởng lý luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay (2014-2015) do Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật T.Ư chủ trì; hướng dẫn một số luận văn thạc sĩ về đề tài văn học miền Nam 1954-1975 về các tác giả Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hoài Khanh, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị NgH, Nguyên Sa, Túy Hồng; và ba tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn ở miền Nam giai đoạn 1954-1975...

Mới đây, cuối năm 2023, tôi xuất bản chuyên luận Lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954-1975 - Tiếp nhận và ứng dụng (NXB Hội Nhà văn). Trong chuyên luận này chúng tôi không dùng thuật ngữ “đô thị miền Nam” như ở lần xuất bản năm 2009 cũng trong hàm ý như đã nói ở trên.

Hướng nghiên cứu chính của tôi trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975, trong đó tập trung nghiên cứu những gương mặt nữ văn sĩ miền Nam qua một số tác giả tiêu biểu như Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ; Túy Hồng, Trùng Dương, Lệ Hằng, Dung Sài Gòn, Trần Thị NgH, Trần Thị Diệu Tân... và một số nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình tiêu biểu để góp phần hoàn thiện diện mạo văn học miền Nam với ý nghĩa là một di sản của văn học dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Trần Hoài Anh – Giảng viên Cao cấp Đại học Văn hóa TPHCM, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam khóa X 2020-2025), tác giả của nhiều công trình trong đó chủ yếu về VHNT miền Nam. Ông hiện đang tham gia với tư cách là thành viên đề tài Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư chủ trì, và được phân công viết về phần lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975.