‘Bụi đời Chợ Lớn’: Đại diện Hãng phim xin lỗi vì phát ngôn chưa chuẩn
> Phim ‘Bụi đời chợ Lớn’ lấy tựa tiếng Anh là ‘Chinatown’?
> Phim 'Bụi đời chợ Lớn' - hoãn hay cấm chiếu?
Phim “Bụi đời Chợ Lớn” vẫn chưa thể ra rạp. Hôm qua, 3.5, đại diện nhà sản xuất và Cục Điện ảnh đã gặp gỡ tại Hà Nội để tìm “tiếng nói chung”.
Cho đến thời điểm này, bản chỉnh sửa của phim vẫn chưa được trình cho Hội đồng thẩm định.
“Sư phải, vãi hay”
Cho đến thời điểm này, ngoài nhà sản xuất là Hãng phim Chánh Phương, Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân và các thành viên của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Bộ VHTTDL, chưa ai được biết mặt mũi của bộ phim đang gây sự chú ý của dư luận này ra sao ngoài đoạn trailer dài hơn 2 phút trên YouTube.
Theo bà Lý Phương Dung - Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Điện ảnh: “Tại buổi gặp, đại diện hãng phim đã xin lỗi vì thiếu hiểu biết pháp luật nên dẫn đến những sai sót trong quá trình làm phim, xin lỗi cá nhân bà Ngô Phương Lan và Cục Điện ảnh về những phát ngôn chưa chuẩn của một số thành viên đoàn phim. Nhà sản xuất cũng cam kết sẽ sửa chữa bộ phim theo yêu cầu của Cục Điện ảnh để được phát hành”.
Bởi thế, tất cả những thông tin mà báo chí có được đều chỉ đến từ hai nguồn này và đang ở trong tình trạng “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Phía Hội đồng thẩm định thì cho rằng phim có quá nhiều yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng hiện thực xã hội, yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa, đồng thời cáo buộc quá trình làm phim của Chánh Phương đã vi phạm Luật Điện ảnh khi không làm theo kết luận yêu cầu sửa chữa của Hội đồng thẩm định kịch bản.
Về phía nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn lại có ý kiến trái ngược khi khẳng định: “Phim không vi phạm luật. Hai năm nay, trong luật nói, kinh doanh hợp tác nước ngoài mới bắt buộc phải trình duyệt kịch bản.
Còn trường hợp dự án của Thiên Ngân và Chánh Phương là hai hãng phim VN thì kịch bản chẳng cần thông qua. Xin nhấn mạnh, tôi được thuê làm đạo diễn chứ không phải là đối tác kinh doanh với hai hãng phim trên nên không phải duyệt kịch bản. Chúng tôi gửi kịch bản là đã xem trọng ý kiến của Cục Điện ảnh rồi, còn góp ý như thế nào thì chúng tôi không nhất thiết phải làm theo”.
Có thể thấy câu chuyện hiện nay đang vướng mắc ở chỗ, Hội đồng thẩm định phim đang dựa vào Luật Điện ảnh để yêu cầu phim phải chỉnh sửa thì mới được chiếu, điều đó hoàn toàn đúng với thẩm quyền của họ.
Còn đạo diễn phim lại tuyên bố, phim Mỹ làm bắt cóc tổng thống, CIA chống lưng mafia... có ai bắt bẻ đâu và những góp ý của Cục không nhất thiết phải làm theo. Quan điểm này có lẽ không có lợi cho nhà sản xuất vì ai cũng biết, một bộ phim được sản xuất tại VN, để phục vụ khán giả VN thì đương nhiên phải tuân thủ pháp luật VN, chuyện viện dẫn để so sánh với một nền điện ảnh khác là không hợp lý.
Vẫn chưa có bản chỉnh sửa
Trả lời một phóng viên, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, hiện nay, chi phí cho chỉnh sửa phim đã lên tới 500 triệu đồng và nếu chỉnh sửa theo ý của biên bản thẩm định thì không khác nào làm một bộ phim mới.
Ngày 3.5, trao đổi với báo chí bên lề cuộc đối thoại của Cục Điện ảnh và nhà sản xuất phim, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên Hội đồng thẩm định phim cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng chưa được xem bản phim thứ 2 đã qua chỉnh sửa, cũng chưa biết nhà sản xuất sẽ chỉnh sửa theo hướng nào. Trong buổi đối thoại, chúng tôi chỉ cố gắng giải thích cho nhà sản xuất biết là họ buộc phải làm đúng theo Luật Điện ảnh VN và hai bên đã hiểu nhau hơn”.
Bình luận về việc “Bụi đời Chợ Lớn” bị yêu cầu phải sửa chữa, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, sau khi xem đoạn trailer thì ông thấy quyết định của Hội đồng là hợp lý chứ không phải không, bởi ở Việt Nam tuy rằng có nhiều hạn chế nhưng hoàn toàn không có tình trạng băng đảng thanh toán nhau một cách ồ ạt như trong phim.
Một thành phố mà lưu manh tụ tập hàng trăm người thanh toán nhau như vậy thì đúng là không có thật, trong khi “Bụi đời Chợ Lớn” không phải là phim giả tưởng mà một bộ phim xã hội. Ông còn nhấn mạnh thêm rằng tâm lý của một số người cứ nghe cái gì kiểm duyệt, cắt xén thì hay phản ứng, nhưng hãy bình tĩnh lại nhìn xã hội Việt Nam trong thời điểm này, tầng lớp thanh thiếu niên còn thiếu học thức rất đông nên chuyện thẩm định, phê duyệt?phải có trách nhiệm mới được...
Như vậy có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà các thành viên Hội đồng thẩm định phim lại yêu cầu “Bụi đời Chợ Lớn” phải chỉnh sửa vì có quá nhiều yếu tố bạo lực. Hơn nữa, yêu cầu này đã được đưa ra từ khi thẩm định kịch bản chứ không phải đến lúc thẩm định phim mới có, nếu ở thời điểm đó, nhận được yêu cầu sửa chữa kịch bản, nhà sản xuất có thiện chí để sửa chữa và trình ra được một kịch bản thuyết phục hơn thì họ đã không phải chịu những tốn phí và rắc rối khi phải chỉnh sửa phim như hiện nay.
Theo Lê Tâm
Dân Việt