Các điểm thông tin du lịch chính thức được Sở Du lịch Hà Nội lắp đặt từ năm 2006, trên các tuyến phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Chí Thanh, quanh khu vực Hồ Gươm… với mục đích giúp người đi đường, đặc biệt là khách du lịch tìm kiếm các địa điểm du lịch, từ khách sạn, nhà hàng ăn uống cho tới các tuyến xe buýt…
Các điểm thông tin du lịch này đều được cài đặt tiếng Việt và tiếng Anh, được điều hành bởi hệ thống máy tính hiện đại với màn hình cảm ứng. Người sử dụng chỉ cần nhắp tay vào các icon (biểu tượng) trên màn hình liệt kê theo danh mục là có thể tìm kiếm thông tin, nhận được các hướng dẫn chỉ đường, hoặt biết được vị trí mình đang đứng…
Tiện ích là vậy nhưng các điểm thông tin du lịch trên dường như đang bị lãng quên, phần đông du khách và người đi đường đều không hề đoái hoài đến nó. Nhiều điểm thông tin do lâu không được bảo dưỡng, hoặc bị phá hoại đã cũ hỏng, bị lỗi hoặc không thể vận hành.
Tại đường Hai Bà Trưng, ngay dưới chân tòa nhà Hanoi Landmark Towers có hai hộp thông tin du lịch nằm cách nhau chỉ khoảng 50m, nhưng cả hai đều bị hỏng, màn hình máy tính đã tắt, không thể sử dụng.
Còn tại khu vực xung quanh Hồ Gươm có tới hơn chục điểm thông tin du lịch được lắp đặt rải rác, nhưng cũng phải có tới một phần ba không hoạt động, rất lâu không thấy có đơn vị nào đến để sửa chữa, bảo dưỡng.
Hai nữ nhân viên bán sách lưu niệm gần vườn hoa Lý Thái Tổ, cạnh một điểm thông tin du lịch trên khu vực Hồ Gươm cho biết, nhiều khi máy bị hỏng tới hàng tháng cũng không thấy có ai đến sửa.
Khi được hỏi: “Có nhiều du khách sử dụng các điểm thông tin này không?”, hai nhân viên này cười bảo: “Chỉ có lũ trẻ con là hay vào nghịch. Người nước ngoài thì họ thường hỏi trực tiếp cho nhanh. Nói chung, tiện ích thì nhiều nhưng ít người biết dùng”.
Anh Pít, một du khách Bồ Đào Nha thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của những điểm thông tin du lịch trên. Chỉ tay vào một điểm thông tin du lịch, anh nói: “Tôi cứ tưởng đó là bốt điện thoại”.
Quả thực nếu không tinh ý thì thật khó để nhận biết các điểm thông tin du lịch trên. Các mặt đều được bao quanh bởi những khung hình quảng cáo. Dòng chữ: “Thông tin du lịch” lại được đặt tận góc trên cùng của hai bên sườn, rất khó quan sát.
Được biết, để lắp đặt trang bị cho một điểm thông tin du lịch như trên rất tốn kém. Nhiều người đặt câu hỏi, lợi ích thực tế của những điểm thông tin du lịch này có thực sự xứng với đồng tiền bát gạo bỏ ra, nhất là khi Hà Nội đang trong mùa du lịch, tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Trần Lâm
(Nhà 135, ngõ 97- Thái Thịnh 1,
phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội)