Anh quốc không chỉ nổi danh với bóng đá và văn học của Shakespeare, mà còn là cái nôi của những thương hiệu xe hơi thượng thặng. Cùng với Bentley, Rolls-Royce hợp thành bộ đôi tên tuổi siêu sang, trở thành khao khát của bất kỳ người mê xe nào trên thế giới. Không ồn ào như cuộc đua của siêu xe, mà hào nhoáng, nhẹ nhàng với một hấp lực khó cưỡng.
Rolls-Royce ra mắt Phantom phiên bản limousine màu Blue Velvet ngoại thất, đánh dấu thế hệ thứ 7, thế hệ cuối cùng của gia đình "bóng ma" được sản xuất. Phantom, mẫu xe sở hữu kết cấu khung nhôm lớn nhất trong ngành công nghiệp xe hơi, những trang bị đắt tiền đóng đinh thương hiệu, bắt đầu câu chuyện của mình vào năm 1925.
Phantom I (1925-1931)
Thế hệ đầu tiên của Phantom lãnh sứ mệnh thay thế người tiền nhiệm Silver Ghost, mẫu xe được mệnh danh "tốt nhất thế giới" thời bấy giờ.
Phantom thế hệ đầu tiên.
Chỉ có 3.512 xe Phantom được sản xuất, và nếu xuất hiện trong một bộ sưu tập nào đó ở thế kỷ 21, đều vô cùng quý hiếm. Bởi vào thời điểm đó, Rolls-Royce sản xuất riêng lẻ khung gầm, động cơ và các bộ phận cơ khí liên quan. Khách hàng khi mua Phantom sẽ chọn một xưởng chế tác (coachbuiler) để đặt hàng thiết kế khung xe tùy theo sở thích.
Phantom thế hệ đầu sử dụng chung khung sườn với người tiền nhiệm, ra đời tại hai nhà máy Derby, Anh và Springfield, Massachusetts, Mỹ. Xe lắp động cơ mới, loại 6 xi-lanh thẳng hàng, dung tích 7,7 lít.
Phantom II (1929-1936)
Phantom thế hệ thứ II được khai sinh chỉ sau 4 năm thế hệ đầu ra mắt. Ngoại trừ khung gầm mới sản xuất bởi Roll-Royce tại duy nhất nhà máy ở Anh, những gì trên thế hệ tiền nhiệm áp dụng cho "bóng ma" thứ hai.
Xe vẫn sử dụng động cơ 7,7 lít 6 xi-lanh thẳng hàng. Những người thợ ở các xưởng chế tác tiếp tục thực hiện khâu chế tạo khung sườn theo ý muốn của chủ nhân. Những cơ sở gia công chủ yếu bằng tay nổi tiếng thời bấy giờ như Hooper, Mulliner, Park Ward hay Henley. Ra đời trong giai đoạn cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu (Great Depression) diễn ra, Phantom thế hệ thứ hai chỉ có 1.600 xe xuất xưởng.
Phantom III (1936-1939)
Chỉ tồn tại bốn năm ngắn ngủi, nhưng thế hệ này của Phantom đánh dấu bước thay đổi lớn về động cơ. Lần đầu tiên mẫu xe sang trọng của thương hiệu Anh trang bị động cơ V12 dung tích 7,3 lít.
Sử dụng khung gầm tương tự thế hệ cũ, thân vỏ Phantom III bắt đầu được sản xuất bởi nhiều công ty hơn. Bên cạnh số ít các xưởng chế tác vẫn còn tồn tại. Các kiểu dáng mui trần, hai cửa hay trục cơ sở dài chuyên chở khách cũng lần đầu xuất hiện trên Phantom. Mẫu xe này từng xuất hiện trong phần phim Goldfinger (Ngón tay vàng) 1964 thuộc serie phim hành động James Bond.
Phantom IV (1950-1959)
Thế hệ tiếp theo của Phantom đánh dấu việc sản xuất trở lại của Rolls-Royce sau chiến tranh. Tiếp tục duy trì sự độc quyền trong sản xuất và sẵn sàng chấp thuận mọi yêu cầu của khách, chỉ 18 chiếc Phantom thành hình trong giai đoạn này.
Phantom V (1959-1968)
Phantom thế hệ thứ 5 chứng kiến nhiều bước ngoặt đáng nhớ trong lịch sử chế tạo của Rolls-Royce. Lần đầu tiên mẫu xe sang trọng sử dụng hộp số tự động 4 cấp của tập đoàn Mỹ General Motors. Động cơ vẫn giữ nguyên loại V8 như thế hệ cũ.
Có 516 xe Phantom xuất hiện trong giai đoạn này. Trong đó có một chiếc Phantom 1965 sơn hoa văn sặc sỡ của danh ca huyền thoại John Lennon, linh hồn của ban nhạc Anh, The Beatles. Trong một lần xuất hiện trên đường phố London, mẫu xe này từng bị một cụ bà đập chiếc ô lên thân xe và ca thán rằng: "Sao dám làm thế với xe Rolls-Royce".
Phantom VI (1968-1991)
Không khác biệt nhiều về thiết kế so với thế hệ cũ, Phantom VI tiếp tục sở hữu kích thước to lớn và động cơ V8, nhưng dung tích nâng từ 6,2 lít lên 6,7 lít.
Là thế hệ nhiều "tuổi" nhất trong gia đình Phantom với hơn 20 năm tồn tại, nhưng chỉ có 374 chiếc được sản xuất. Bắt đầu từ 1979, Phantom lần đầu tiên có hệ thống điều hòa không khí tách biệt cho hai hàng ghế.
Nhưng những mẫu xe trên đều không thể bán lẻ tại thị trường Mỹ. Bởi nhiều yêu cầu khắt khe từ Cơ quan An toàn giao thông quốc gia và Cơ quan bảo vệ môi trường nước sở tại, Phantom không thể đáp ứng.
Phantom VII (2003-2016)
Sau thời gian dài lâm vào khủng hoảng và gần như vóng bắng trên thị trường xe hơi, Rolls-Royce trở về tay tập đoàn hùng mạnh BMW của Đức năm 1998.
Quyết tâm quay về phục hưng thương hiệu Maybach với tiếng tăm không kém. Từ đó hình thành thế cho vạc của bộ ba thương hiệu siêu sang nổi tiếng Rolls-Royce - Bentley - Maybach.
Nhưng phải đến 2003, Phantom thế hệ thứ 7 mới chính thức hồi sinh. Mở ra thời kỳ thành công mới cho mẫu xe siêu sang mang tính biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp.
Xe quay lại sử dụng động cơ V12 dung tích 6,7 lít. Trong hơn 10 năm tồn tại, gần 5.000 xe Phantom ra đời. Khép lại một chặng đường hơn 90 năm lịch sử thăng trầm nhưng đầy tự hào của "bóng ma" trong làng xe hơi thế giới.
Rolls-Royce Phantom VII cuối cùng: