Bồng Lai ư? "Giải ngao tức kim dịch/Tao khâu thị Bồng Lai". Với Lý Bạch "một ngày nên nghiêng ba trăm chén" thì có cua và có rượu đích thị là cõi Bồng Lai rồi. Còn Ngô Thì Nhậm danh sĩ đời hậu Lê "Vị ưng tiên cảnh độc Bồng Lai" - Chưa hẳn Bồng Lai mới là tiên cảnh. "Tỉnh" quá thế nên cái vế đối "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế" khiến ông chết tức tưởi vì ngọn roi độc trả thù?
Hơn hai chục năm trước tôi cùng đồng nghiệp được theo trực thăng quân đội tác nghiệp kết hợp thả hàng cứu trợ giúp đồng bào Quảng Nam đang chới với giữa trận lụt lịch sử. Từ trên cao nhìn xuống mấy ngôi nhà ngói đỏ nhỏ xíu bên rặng tre xanh thoi thóp cô độc nổi lên giữa mênh mông màu vàng rơm nước lụt, chợt giật mình. Chao ôi, sao mà "đẹp" quá! Đẹp nghẹn ngào. Bồng Lai đó ư?!
"Đẹp" như những bức ảnh chụp từ flycam cảnh đoàn người rồng rắn chạy xe máy vượt đèo Hải Vân về quê giữa những đêm dịch giã khốc liệt mấy tháng trước. "Đẹp" và "hạnh phúc" như những hình ảnh gia đình bé gái 8 tuổi ngày ngày được úp lên facebook cho đến khi bé được phát hiện bị tra tấn đến chết một cách đau đớn khủng khiếp mà nghi phạm giết người là người lớn trong chính cái "tổ ấm" ấy. Thơ mộng như "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu trong sách giáo khoa mà đứa trẻ nào muốn mở cánh cổng đại học đều từng nghiền ngẫm.
“Cuộc sống xung quanh chúng ta không bao giờ xấu hơn hay đẹp hơn mà chỉ thực hơn thôi”. Còn ai nhớ tới cái câu kết trong bài văn bị cho là "phạm quy" của một nữ sinh lớp 12 ở Hải Phòng mười năm trước? Nhưng cũng cần thêm, rằng đời sống sẽ thực hơn chỉ khi nhìn gần, thật gần.
Đời cần đẹp hơn và cũng cần thực hơn. Nhưng không phải những ca từ véo von, những trang sách hồng hào một cảm hứng ngợi ca, những danh xưng mỹ miều, cũng không chỉ từ thái độ cay nghiệt, xấu xí.
Hoài Linh vừa tái xuất sân khấu sau thời gian im hơi "nín thở" khiến người người náo nức đổ xô đi xem. Với tên tuổi ấy, bề dày kịch trường phim ảnh ấy thì một suất diễn bình thường có gì mà ầm ỹ. Nhưng sau vụ ồn ào vì "ngâm" tiền từ thiện đến mức cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ, thì có lẽ ai cũng muốn được nhìn gần hơn "thần tượng" của mình. Và có lẽ cũng là dịp người của công chúng ấy học cách nhìn gần hơn vào đời thực, người thực dẫu "Lạc giữa biển người", tên của vở kịch mà ông sắm vai một chủ trọ tốt bụng nơi xóm trọ nghèo.
Vụ án tại tịnh thất Bồng Lai đã được khởi tố, đã có bị can bị bắt giam. Hứa hẹn báo chí sẽ còn tốn nhiều bút mực. Nhân gian này Bồng Lai có thật không?