Project Ara
Nói đến dòng smartphone “xếp hình” là nhắc đến Project Ara của Google. Đây là sản phẩm tiên phong trên phân khúc này, do đội ngũ ATAP (Advanced Technology and Projects) phát triển.
Project Ara không bắt người dùng phải sử dụng thiết bị đã được định sẵn về kiểu dáng thiết kế, cấu hình và tính năng như hầu hết smartphone đang bán trên thị trường hiện nay mà mang đến người dùng cơ hội tùy biến và thay thế linh kiện theo ý muốn.
Trong đó, người dùng có thể nâng cấp cảm biến máy ảnh, thêm khe cắm SIM, tăng dung lượng pin... để tạo ra sản phẩm thể hiện phong cách riêng mà không lo “đụng hàng”.
Hiện tại, Project Ara sẽ mang đến người dùng khoảng 20 module tự chọn để có thể tạo ra chiếc điện thoại theo phong cách riêng với những tính năng mà họ cho là hữu ích và thiết thực nhất sau khi bỏ ra 50 USD mua thân máy. Con số này có thể tăng lên trong thời gian tới khi có thêm nhiều nhà sản xuất tham gia vào lĩnh vực này.
Theo kế hoạch, Project Ara sẽ được đưa ra thị trường cuối năm 2015. Tuy nhiên, Google đã phải lùi sang năm 2016 do Project Ara gặp trục trặc trong bài thử nghiệm cuối cùng. Theo đó, các nhà phát triển Project Ara đang tìm giải pháp thay cơ chế nam châm để tạo ra sự gắn kết chặt hơn các module vào khung điện thoại.
Cùng với đó, Google cần giải tỏa các nghi vấn về tài chính và hiệu suất. Việc ghép các phần khác nhau có thể khiến khả năng giao tiếp giữa các linh kiện kém đi cũng như làm giá thành của sản phẩm bị đội lên so với việc ghép tất cả linh kiện trong thiết bị đóng kín. Trước đó, Google từng thừa nhận pin sẽ bị ảnh hưởng do 20-30% lượng pin sẽ dành cho xử lý liên kết giữa các module trong giai đoạn đầu.
Fairphone 2
Dù cấu hình chỉ thuộc diện tầm trung so với các smartphone Android hiện nay, nhưng Fairphone 2 lại sở hữu những kiểu thiết kế mới lạ và nhiều tính năng tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm này.
Fairphone 2 mang đến người dùng cơ hội nâng cấp các linh kiện bên trong một cách dễ dàng do được thiết kế theo dạng module có khả năng tháo lắp dễ dàng giống như trò chơi xếp hình. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người dùng sẽ phải cần đến tô vít.
Điều đáng mừng là nhà sản xuất chỉ sử dụng một loại ốc vít duy nhất cho việc lắp ráp các linh kiện khiến công việc tháo lắp trở nên “dễ thở” hơn với chỉ 3 phút 30 giây để tháo linh kiện và 2 phút 30 giây để lắp ráp lại máy.
Fairphone 2 dùng khung nhựa trong suốt với viền đen nhằm bảo vệ các thành phần bên. Tuy nhiên, máy tương đối dày so với smartphone hiện nay. Fairphone 2 chạy hệ điều hành Android 5.1, vi xử lý Snapdragon 801, bộ nhớ RAM 2 GB, bộ nhớ trong 32 GB, camera chính 8 MP khẩu độ f/2.2, pin 2.420 mAh. Màn hình 5 inch Full HD được bảo vệ bằng kính Gorilla Glass 3. Máy tích hợp hai khe cắm micro SIM cùng khe cắm thẻ nhớ micro SD.
Hiện tại, công ty khởi nghiệp Fairphone (Hà Lan) bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất sản phẩm này để có thể ra ra mắt thị trường vào 12/2015.
Shift5+
Đây là sản phẩm do Shift, nhà sản xuất điện thoại ít tên tuổi ở Đức phát triển. Do được thiết kế theo dạng module, nên người dùng có thể dễ dàng thay đổi nhiều thành phần của máy như: Màn hình, bộ nhớ trong, pin và một số linh kiện quan trọng khác.
Thậm chí, người dùng còn có quyền lựa chọn hệ điều hành Windows 10 mobile hay Android 5.1 Lollipop cho Shift5+. Tuy nhiên, người dùng không thể thay đổi hệ điều hành do Shift5+ không thuộc dòng smartphone chạy song song hai nền tảng khi máy đã xuất xưởng. Vì thế, người dùng cần gửi yêu cầu sử dụng hệ điều hành Windows 10 mobile hay Android 5.1 đến nhà sản xuất kèm theo đơn đặt hàng.
Cấu hình cụ thể của Shift5+ sẽ được nhà sản xuất quyết định trong tháng 12. Dự kiến, máy sẽ được trang bị vi xử lý Snapdragon 4 hoặc 8 nhân, RAM lớn hơn 2 GB, bộ nhớ trong có dung lượng thấp nhất 32 GB. Shift5+ sử dụng màn hình 5 icnh tấm nền IPS, độ đôi camera chính/phụ có độ phân giải 13 MP/5 MP. Dung lượng pin có thể lên đến 3.000 mAh.
Nhà sản xuất sẽ nhận đơn đặt hàng Shift5+ với giá 342 USD (khoảng 7,6 triệu đồng) trong tháng 12 và giao hàng trong quý III/2016.
PuzzlePhone
PuzzlePhone do Công ty Circular Devices phát triển với ý tưởng sản xuất ra mẫu smartphone có thể lắp ghép như Project Ara. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể tùy biến màn hình, pin và camera trên PuzzlePhone thay vì có thể thay thế nhiều linh kiện như Project Ara. Theo lý giải của nhà sản xuất, đây là ba bộ phận mang đến người dùng những trải nghiệm giải trí, làm việc quan trọng nhất trên một chiếc điện thoại.
PuzzlePhone được cấu tạo với ba phần chính (3 module). Theo đó, phần Brain gồm những mạch điện tử chính, CPU, GPU, RAM và camera. Phần Spine là khung sườn của máy, màn hình LCD, các mạch điện tử còn lại. Phần Heart chứa pin và các mạch điện tử thêm vào, được phát triển và tuỳ chỉnh bởi người dùng cuối.
Cấu hình của phiên bản tiêu chuẩn gồm màn hình 5 inch, Full HD. Máy chạy CPU ARM 64-bit, 8 nhân, RAM 3 GB, bộ nhớ trong 16/32/64 GB, camera chính 12 MP kèm đèn Flash LED, camera phụ 5 MP, cảm biến ánh sáng, gia tốc kế, con quay hồi chuyển, cảm biến tiệm cận, tích hợp pin 2.800 mAh, hệ điều hành Android 6.0...
Hiện tại, PuzzlePhone đang được gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo với ba lựa chọn về phiên bản với ba mức giá và ngoại hình khác. Phiên bản 16 GB cho người dùng đặt hàng sớm với giá 333 USD, phiên bản 32 GB có giá 444 USD và phiên bản giới hạn 64 GB có giá 777 USD. Thời gian giao hàng dự kiến 9/2016.