Theo The Huffington Post, “NATO đang bị tụt lại trong cuộc chạy đua vũ trang với Nga”, và “quyết tâm và sự gắn kết” của quân đội Nga chính là nền tảng giúp Nga ngăn chặn các hoạt động của NATO và từng bước chiếm ưu thế trước NATO về mặt quân sự.
The Huffington Post chỉ ra bốn dấu hiệu cho thấy Nga đang chiếm ưu thế trước NATO trong cuộc chạy đua vũ trang.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 4/11 khẳng định cuộc tập trận lớn nhất của liên minh quân sự này trong hơn một thập kỷ qua, mang tên Trident Juncture 2015, đã gửi thông điệp rõ ràng tới các bạn bè và kẻ thù rằng NATO sẵn sàng đối phó với những thách thức trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này.
Thứ nhất, Nga có thể bắt đầu các cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ, trong khi các nước NATO phải cần 2 năm để chuẩn bị cho các cuộc tập trận quy mô tương tự.
Những cuộc tập trận lớn của NATO như Trident-2015 đang diễn ra trong lãnh thổ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia, được Nga thực hiện thường xuyên.
Thứ hai, thành tựu công nghệ quân sự mới của Nga gây bất ngờ cho giới chức quân sự NATO, như thừa nhận của Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp NATO tại Brunssum (Hà Lan), Đại tướng Hans-Lothar Domrose.
Đại tướng Hans-Lothar Domrose lấy ví dụ các tên lửa hành trình mà Nga phóng từ những chiến hạm Nga trên Biển Caspian vào các mục tiêu khủng bố ở Syria “có thể đe dọa Berlin nếu các tàu này di chuyển trên vùng biển Địa Trung Hải”.
Thứ ba, lợi ích của 28 quốc gia thành viên NATO là rất khác nhau. Trong khi một số nước yêu cầu cảnh giác trước các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, thì một số nước khác bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường sự hiện diện của NATO ở biên giới phía Đông.
Một lãnh đạo của NATO thừa nhận rằng, sự mất đoàn kết của nhiều quốc gia trong NATO khiến khối gặp bất lợi rất lớn về mặt quân sự”, trong khi các hành động quân sự của Nga vừa dứt khoát, linh hoạt nhưng không kém phần quyết liệt.
Thứ tư, năng lực quân sự và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga. Đại tướng Hans-Lothar Domrose thừa nhận, Nga có tiềm năng để hạn chế các đồng minh NATO hoạt động trong một số khu vực.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, những vấn đề trên nằm trong chương trình nghị sự của khối. “Chúng ta phải chắc chắn rằng, chúng ta có đủ cơ sở để nhìn ra các vấn đề này, và, nếu cần thiết, chúng ta có thể tăng cường và triển khai quân đội”, ông Jens Stoltenberg nói.
Quan hệ giữa Nga và NATO đang ở vào thời điểm xấu nhất kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh do những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.
Moscow cho rằng, sự hiện diện quân sự của NATO trên biên giới nước Nga là bất thường và đe dọa an ninh Liên bang.
Trong khi đó, NATO khẳng định về sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ của khối nhằm đáp ứng sự gia tăng của các lực lượng vũ trang Nga.