Hoãn tòa
Các bị cáo bị truy tố tại vụ án này về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Hồng Hà (SN 1967 tại Hà Nội, nguyên Trung tá, nguyên Đội trưởng Đội CSGT, Công an Khánh Sơn, bị bắt tạm giam từ ngày 3/4/2013); Vũ Anh Trung (SN 1978 tại Thanh Hóa, nguyên Thiếu tá, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an Khánh Sơn, bị bắt tạm giam từ ngày 3/4/2013); Trần Lệ Kiên (SN 1984 tại Phú Thọ, nguyên Thượng úy, nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự - Hỗ trợ tư pháp, Công an Khánh Sơn, bị bắt tạm giam từ ngày 03/4/2013); Luân Văn Nam (Nam lụi, SN 1985 tại Cao Bằng, trú thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, nghề nghiệp lái xe, bị bắt tạm giam từ ngày 11/6/2013).
Bị cáo Nguyễn Thành Trung (SN 1968 tại Hà Nội, nguyên Thượng tá, nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, bị bắt tạm giam từ ngày 11/6/2013) bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Tại phiên tòa ngày 11/6, Tòa triệu tập 41 người làm chứng, nhưng chỉ có 16 người tới Tòa.
Luật sư Nguyễn Đình Thơ (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Trung có đơn xin vắng mặt và xin hoãn tòa, bị cáo Nguyễn Thành Trung cũng xin Tòa tòa hoãn xử. Hội đồng xét xử đã tuyên hoãn phiên xét xử, để mở lại vào ngày 18/6.
Cáo trạng
Theo cáo trạng của VKSND huyện Khánh Sơn, tháng 9/2012 tại khu vực núi Gộp Ngà, thôn Ma O (Sơn Trung, Khánh Sơn) có rất nhiều người dân đến đào bới, tìm kiếm trầm kỳ.
Ngày 24/9/2012, UBND huyện Khánh Sơn thành lập Đội liên ngành làm công tác vận động quần chúng, ngăn chặn việc khai thác trầm kỳ trái phép, gồm Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn do Vũ Anh Trung làm Đội trưởng, Nguyễn Hồng Hà làm Đội phó.
Khoảng 21 giờ ngày 26/9/2012, nhóm của Trần Văn Khánh (thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn) – Nguyễn Ngọc Thừa (Đại Lộc, Quảng Nam) đào được một đoạn trầm kỳ, rất đông người dân vây quanh la hét ồn ào. Sợ bị cướp mất đoạn trầm kỳ, nhóm Khánh – Thừa đã giao lại cho Trần Lệ Kiên cất giữ.
Khi Kiên mang đoạn trầm kỳ về đến chốt của Đội liên ngành, Vũ Anh Trung, Nguyễn Hồng Hà yêu cầu mọi người không được báo cáo cho lãnh đạo biết, xử lý đoạn trầm kỳ như thế nào là việc của lãnh đạo Đội liên ngành.
Phá rừng tìm trầm kỳ ở Gộp Ngà, ảnh chụp ngày 23/9/2012.
Khi Đội liên ngành chuẩn bị rút quân về, ông Phạm Hồng Sơn (Phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn) điện thoại cho Nguyễn Hồng Hà, nói trên bãi tiếp tục có người đào được trầm kỳ, yêu cầu Hà cử người lên áp tải xuống.
Hà thông báo cho Vũ Anh Trung biết, rồi cùng Nguyễn Hoàng Giang (cán bộ Công an huyện) đi lên bãi khai thác.
Lúc này, nhóm của Huỳnh Trung Nghĩa (Vạn Ninh, Khánh Hòa) vừa đào được đoạn trầm kỳ dài khoảng 20 cm, to bằng ngón tay cái. Thấy vậy, Luân Văn Nam yêu cầu anh Nghĩa đưa đoạn rễ cây đó cho mình, rồi đi xuống núi cùng với Nguyễn Đình Huy, Hoàng Xuân Vương (dân Khánh Sơn).
Gặp Nguyễn Hồng Hà đang đi lên, Nam đưa đoạn trầm kỳ đó cho Hà. Hà đưa lại cho Nam, nói “Cục hàng này là của riêng chú cháu mình chia nhau”. Sau đó, Nam giao lại đoạn trầm kỳ cho Lê Anh Luân (Sơn Trung, Khánh Sơn) mang về nhà cất giữ.
Khoảng 17 giờ ngày 27/9/2012, Vũ Anh Trung chỉ dẫn nhà của Trần Lệ Kiên cho anh Nguyễn Ngọc Thừa, để anh Thừa đến “làm vệ sinh” đoạn trầm kỳ, rồi đưa lại cho Kiên tiếp tục cất giữ. Cũng trong chiều ngày 27/9/2012, Nguyễn Thành Trung điện thoại cho Kiên và Vũ Anh Trung, hỏi về đoạn trầm kỳ mà Kiên đang cất giữ.
Tối cùng ngày, Nguyễn Thành Trung đến quán cà phê Góc Núi ở thị trấn Tô Hạp gặp Vũ Anh Trung, Nguyễn Hồng Hà, Trần Văn Khánh, Hoàng Xuân Vương, cùng bàn việc mua bán đoạn trầm kỳ.
Nguyễn Thành Trung bảo Trần Văn Khánh giao đoạn trầm kỳ cho Nguyễn Thành Trung mang đi bán và đưa ý kiến về tỷ lệ ăn chia: Đội liên ngành hưởng 40%, nhóm Khánh – Thừa 40%, nhóm Luân Văn Nam, Hoàng Xuân Vương 20%. Sau khi thống nhất tỉ lệ ăn chia, Trần Văn Khánh nói Vũ Anh Trung giao đoạn trầm kỳ cho Nguyễn Thành Trung.
Nghe Khánh nói vậy, Vũ Anh Trung gọi điện thoại cho Trần Lệ Kiên mang đoạn trầm kỳ đến bỏ vào trong một xe ô tô đang đậu ở trước quán cà phê Góc Núi, để Nguyễn Thành Trung mang đi bán.
Chiều 28/9/2012, sau khi bán xong đoạn trầm kỳ trên, Nguyễn Thành Trung đã trực tiếp chia cho nhóm Lê Anh Luân, Hoàng Xuân Vương 800 triệu đồng (nhóm Luân, Vương cho lại Nguyễn Thành Trung 20 triệu đồng), Đội liên ngành 1,4 tỉ đồng (đưa cho Vũ Anh Trung), nhóm Khánh – Thừa Thừa 1,6 tỉ đồng (đưa cho Khánh).
Khoảng 16 giờ ngày 30/9/2012, tại quán cà phê Điểm Hẹn thị trấn Tô Hạp, Nguyễn Thành Trung gọi Luân Văn Nam, Hoàng Xuân Vương đến để hỏi về đoạn trầm kỳ mà nhóm Nam đã cất giữ, yêu cầu giao cho Trung mang đi bán.
Vương gọi điện thoại cho Lê Anh Luân mang đoạn trầm kỳ đến giao cho Nguyễn Thành Trung. Nguyễn Thành Trung đã thông qua Phạm Thanh Túc (Cam Lâm, Khánh Hòa), Phạm Thanh Tùng (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để trực tiếp mang đoạn trầm kỳ đi bán cho Bùi Khắc Dũng (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) tại quán Đại Long ở Cầu Ba, thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) với giá 350 triệu đồng.
Bán xong đoạn trầm kỳ trên, Nguyễn Thành Trung nói nhóm Luân, Nam, Vương đến nhà Phạm Thanh Túc để lấy tiền. Lấy tiền xong, nhóm Luân, Nam, Vương đã giao lại toàn bộ số tiền 350 triệu đồng cho Nguyễn Hồng Hà, tại quán cà phê Ngọc Lan ở thị trấn Tô Hạp. Hà chia trước cho nhóm của Luân, Nam, Vương 20 triệu đồng, còn 330 triệu đồng Hà giữ lại, đợi tình hình ổn định sẽ chia sau...
Cuối tháng 9/2012, có nhiều người dân tố cáo một số cán bộ Công an trong Đội liên ngành huyện Khánh Sơn chiếm đoạt trầm kỳ nam do họ tìm được. Cơ quan CSĐT, Công an Khánh Hòa khởi tố vụ án ngày 1/4/2013, ra kết luận điều tra vào tháng 11/2013, kết luận các bị cáo đã gây thiệt hại lợi ích Nhà nước 4,15 tỷ đồng.