Các đặc tính như dễ điều khiển, khó ngăn chặn, sức công phá lớn biến những quả bom xe di động kiểu mới thành loại vũ khí có khả năng thay đổi cục diện chiến trường.
Các tay súng IS không phải là những kẻ đầu tiên phát minh ra bom tự sát gắn trên phương tiện lưu động cải tiến (SVBIED). Từ hơn hai thế kỷ trước, năm 1800, đã có kẻ chất đầy thuốc nổ lên những cỗ xe ngựa và ám sát hụt Hoàng đế Napoleon ở thủ đô Paris, Pháp.
Trong giai đoạn quân đội Mỹ còn duy trì sự hiện diện ở Iraq, các nhóm khủng bố lúc bấy giờ thường dùng những chiếc xe tải 18 bánh nhồi đầy thuốc nổ để thực hiện nhiệm vụ đánh bom liều chết. Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) ở Sri Lanca trước đây cũng sử dụng chiến thuật đánh bom xe tự sát trong các cuộc càn quét của đơn vị bộ binh nhưng theo Mike Davis, tác giả cuốn sách về lịch sử hình thành bom xe, những vụ đánh bom xe của LTTE thường chỉ là "các cuộc tấn công đơn lẻ" để mở đầu cuộc chiến.
Thời gian gần đây, chính các chỉ huy quân sự của IS đã đưa phương pháp tấn công này lên một tầm cao mới. "Trong các chiến dịch của IS ở Iraq, có lẽ lần đầu tiên xe bom cải tiến phát huy hiệu năng" - Andrew Terrill, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Quân đội Mỹ, nhận định - "Cuộc tấn công vào thành phố Ramadi gây sốc và khơi dậy sợ hãi ở một cấp độ hoàn toàn khác biệt".
Theo AFP, bằng cách triển khai xe bom trong các cuộc tấn công trên bộ, IS đã khiến Baghdad và đồng minh phải thay đổi hoàn toàn chiến lược đối phó với tổ chức khủng bố khét tiếng này. Chiến thuật sử dụng bom xe rõ ràng đã biến IS thành những "lực lượng chiến đấu kiểu mới".
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, khoảng 12 xe bom được IS sử dụng trong cuộc đổ bộ vào Ramadi, tỉnh Anbar hồi cuối tháng 5. Chúng chứa lượng thuốc nổ lớn với sức công phá tương đương vụ đánh bom tại thành phố Oklahoma năm 1955. Vụ việc xảy ra cách đây 60 năm ở Mỹ khiến 168 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Theo chuyên gia Mike Davis, bom xe giống với chiếc xe được sử dụng trong vụ khủng bố Oklahoma được nhồi lượng thuốc nổ bằng với "số bom chất trong một oanh tạc cơ B-24 ở trong Thế chiến II".
"Nhưng những xe bom ở Ramadi mạnh mẽ hơn nhiều, có sức hủy diệt tương đương một cuộc không kích sử dụng các trái bom nặng gần nửa tấn" - Davis nói thêm.
Trong trận giao tranh diễn ra ở thành phố Ramadi, Iraq, IS dùng đến khoảng 30 bom xe cải tiến, sẵn sàng cho nổ tung bất cứ vật cản nào ngáng đường chúng, chiếm lĩnh cứ điểm quan trọng mà quân chính phủ và đồng minh đã bảo vệ vững vàng suốt hơn một năm. Các chiến binh IS tận dụng tất cả những loại xe chúng cướp được, từ xe bọc thép chở quân, xe bán tải đến xe chở dầu, biến những phương tiện di chuyển này thành thứ vũ khí có sức hủy diệt lớn bằng cách nhồi hàng tấn thuốc nổ vào bên trong sau đó hàn lồng thép xung quanh để tăng khả năng bảo vệ.
Trong lúc chiến đấu, nếu chạm trán một điểm phòng thủ quá chắc chắn, không thể xuyên thủng bằng phương pháp thông thường, IS lập tức huy động những kẻ tấn công liều chết lái một chiếc xe bom lao thẳng vào hàng ngũ đối phương, phá tan thế trận phòng vệ chỉ trong tích tắc. "Những chiếc xe đó có thể chịu được cả súng máy hạng nặng 12,7mm, thậm chí không hề hấn gì trước súng phản lực chống tăng vác vai RPG.
Mặt khác, trên xe chất nhiều thuốc nổ nên nó có khả năng gây sát thương ngay cả khi mục tiêu ở cách xa đến 50m" - một chuyên gia quân sự Iraq giấu tên cho hay. Trong các băng ghi lại cảnh IS sử dụng bom xe tấn công thị trấn Kobani ở miền Bắc Syria hay các mặt trận khác, người xem có thể thấy chúng gây ra những vụ nổ lớn đến nỗi những nhân chứng đứng cách xa nhiều kilômét vẫn quan sát dễ dàng.
"Thiệt hại lớn hơn nhiều so với một quả bom nặng khoảng nửa tấn do máy bay phản lực ném xuống" - một chuyên gia phương Tây nhận xét. "Những chiếc xe nhồi bom chẳng khác gì lực lượng không quân trên bộ" của IS.
Chiếc xe bom của IS ngày 16/5 vừa qua phát nổ trước cửa một tòa nhà chính phủ ở thành phố Ramadi, Iraq.
Phản bác lại lời buộc tội của Mỹ về việc các binh sĩ của mình bỏ chạy trong trận chiến ở Ramadi, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói, sức ảnh hưởng từ một vụ nổ bom xe tương tự như của "một quả bom hạt nhân loại nhỏ" và đây mới là nguyên nhân chính khiến quân đội Iraq thất thủ trước IS. Sau thất bại ở Ramadi, Washington gửi khoảng 2.000 súng chống tăng AT4, với hỏa lực đủ sức đánh bay các xe bom của IS, tới hỗ trợ quân đội Iraq.
"Bước đầu thì AT4 là một lựa chọn tốt nhưng chúng không có hệ thống điều khiển, vậy nên khi chiếc xe nhồi bom lao đến, bạn bắt buộc phải đứng trước mặt nó" - một chuyên gia quân sự giấu tên bàn về loại vũ khí chống tăng do Thụy Điển phát triển. "Khi xe bom tiếp cận và chỉ còn cách khoảng 100m, lúc đó đã là quá muộn để tiêu diệt nó", ông cho biết thêm. "Hơn nữa, trong các thành phố, ví dụ như ở Ramadi, gần như không thể vô hiệu hóa chúng".
Hàng nghìn nhân viên an ninh Iraq cùng đồng minh đang vây hãm Ramadi nhằm chiếm lại thành phố chiến lược này. Tuy nhiên, Thủ tướng Abadi phải thừa nhận rằng xâm nhập thành phố này bây giờ sẽ gặp quá nhiều rủi ro. "Chúng tôi quyết định không giao tranh bên trong các đường phố chính vì những chiếc xe bom này. Bạn không thể quan sát rõ ràng và đề phòng kịp thời vì tại đây có quá nhiều ngóc ngách" - ông nói trong cuộc phỏng vấn với BBC.
Tuy vậy, trong một cuộc không kích của liên quân đã phá hủy hoàn toàn một nhà máy sản xuất bom xe của IS ở Iraq, gây thương vong lớn cho cả nhóm phiến quân và cả dân thường. Cơ sở này gồm xe tăng, xe Humvee cùng chất nổ, là "nhà máy lớn nhất ở Iraq và Syria" - AFP dẫn lời một đại tá Iraq nói. Cơ sở này nằm tại thị trấn Hawijah, Iraq. Tiếng nổ lớn có thể được nghe thấy tại Kirkuk, thành phố đang do người Kurd kiểm soát, cách Hawijah 55km.
Mohammed Khalil al-Juburi, Phó trưởng ban An ninh tỉnh Kirkuk, xác nhận đợt không kích xảy ra vào buổi sáng sớm. Theo đó, vụ việc gây thương vong lớn cho cả IS và dân thường nhưng chưa có số liệu chính xác. Hình ảnh chụp hiện trường cho thấy một khu vực rộng đổ nát, gồm gạch đá, tấm lợp kim loại, những phương tiện bị xoắn lại. Hawijah nằm cách thủ đô Baghdad 225km về phía bắc, là một thành trì của IS. Chính phủ Iraq cùng các lực lượng liên minh đang triển khai chiến dịch trên diện rộng nhằm cắt nguồn cung ứng giữa các khu vực thuộc quyền kiểm soát của IS.