>> 'Ngực lép' không được lái xe trên 50 cc!
Trao đổi với Tiền phong, TS Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bản “Tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” đã qua 11 lần dự thảo, xin ý kiến góp ý của 64 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan (Bộ GT-VT, Bộ Công an, Bộ LĐTĐ&XH...).
Xin ông cho biết, dựa trên nguyên tắc nào để Bộ Y tế ban hành bản tiêu chuẩn này?
Ban soạn thảo đã tuân theo các nguyên tắc sau: một là, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho mọi người tham gia giao thông; hai là, phải bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người khác cùng tham gia giao thông; ba là, tiêu chuẩn sức khoẻ phải phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và cập nhật các quy định quốc tế.
Phương pháp xây dựng quy định về tiêu chuẩn sức khỏe lái xe theo phương pháp loại trừ, có nghĩa là chỉ nêu các chỉ số sức khỏe không đủ để điều khiển xe (nêu các điều không được làm), còn lại là đủ điều kiện sức khỏe để lái xe (được làm các điều không cấm). Đây là phương pháp xây dựng văn bản tiên tiến hiện nay ở trên thế giới.
Bản Tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lần này khác gì với bản đã ban hành năm 2001?
Bản mới lần này đã kế thừa các nội dung cơ bản ban hành năm 2001. Đặc biệt, bản tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lần này được thiết kế riêng, tách ra khỏi tiêu chuẩn chung của các phương tiện giao thông đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường biển, đồng thời bổ sung các tiêu chuẩn sức khỏe cho từng loại phương tiện như xe gắn máy, mô tô, ô tô các loại, máy kéo... có tính đến lái xe chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp.
Nhìn chung các tiêu chí về chức năng sinh lý, bệnh tật được quy định cụ thể, ngắn gọn hơn tiêu chí cũ, tập trung vào những yêu cầu cần thiết nhất đối với người điều khiển xe cơ giới, bỏ qua những mục khám không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe để lái xe.
Ví dụ như quy định về mắt, theo quy định cũ (Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT) gồm các tiêu chí về thị lực, thị trường, sắc giác, mộng thịt, sẹo giác mạc, các bệnh ở mi mắt, viêm tắc lệ đạo mạn, lác mắt, cận viễn loạn thị, lão thị, các bệnh khác.
Nhưng ở quy định mới (Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT) chỉ có 3 nội dung là thị lực, thị trường và sắc giác; các bệnh khác ở mắt đều được xem xét có ảnh hưởng đến thị lực, thị trường và sắc giác là đầy đủ.
Một tờ giấy khám sức khoẻ phải đảm bảo có đủ 13 chữ ký của các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành có phải là quá nhiều và phức tạp không trong khi cán bộ y, bác sĩ trong các cơ sở y tế hiện nay thiếu nghiêm trọng?
Hoàn toàn không phải như vậy, quy định nêu 13 chuyên khoa cần khám để khi bác sỹ khám bệnh đỡ bỏ sót, chứ không quy định phải khám qua 13 bác sỹ.
Tùy theo cơ sở khám chữa bệnh và năng lực của bác sỹ, mà một bác sỹ có thể khám nhiều hệ cơ quan, ví dụ như bác sỹ nội khoa có thể khám hệ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, nội tiết... hoặc bác sỹ hệ ngoại sản có thể khám cả da liễu, phụ khoa... Có thể chỉ cần khoảng 4 bàn khám là có thể khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của người được khám.
Tiêu chuẩn sức khỏe được xây dựng dựa trên cơ sở nào?
Các tiêu chí được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học là theo thông số kỹ thuật của một số xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ trên 50 cm3 đến dưới 175cm3, thì chiều cao yên xe trung bình từ 74 cm đến 76cm. Để đảm bảo an toàn giao thông, người điều khiển xe mô tô 2 bánh phải có chiều dài của chân tối thiểu là 75cm. Mà để có chiều dài của chân từ 75cm trở lên thì người đó phải có chiều cao đứng trên 1m45.
Theo “Các giá trị sinh học người Việt Nam bình thường thập kỷ 90 - thế kỷ XX” (Bộ Y tế, Nhà Xuất bản Y học - Hà Nội, năm 2003), người Việt Nam 20-24 tuổi, nam có chiều cao là 163,72±4,67cm, cân nặng là 52,11±4,70 và nữ có chiều cao là 153,00±4,32cm, cân nặng là 44,60±4,22.
Theo Viện Dinh dưỡng, chiều cao và cân nặng của người Việt Nam được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Như vậy, việc quy định người có chiều cao dưới 1m45 hoặc cân nặng dưới 40kg thì không được lái xe A1 là có cơ sở khoa học và cũng phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.
Những người thấp dưới 1m45 hoặc cân nặng dưới 40kg, vì sự an toàn giao thông cho bản thân và mọi người tham gia giao thông hãy sử dụng các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ hơn hoặc bằng (<) 50cm3 hoặc các phương tiện giao thông phù hợp khác.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia thì hiện nay ở trên thế giới đã có các loại xe đặc thù được thiết kế dành cho người có chiều cao đứng thấp hoặc nhẹ cân. Khi nào, các loại xe đặc thù này được nhập, sử dụng ở Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để xem xét và quy định bổ sung các tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe cho phù hợp với thực tiễn.
Tiêu chuẩn này được áp dụng cho những đối tượng nào, thưa ông?
Tiêu chuẩn sức khoẻ này được áp dụng để khám sức khỏe cho người muốn có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm khám tuyển và khám định kỳ. Nghĩa là, tiêu chuẩn này chỉ áp dụng đối với các trường hợp khám tuyển vào học lái xe, dự thi nâng hạng giấy phép lái xe, tuyển dụng lái xe, người đổi giấy phép lái xe.
Các trường hợp đã có giấy phép lái xe hợp pháp thì đương nhiên vẫn được sử dụng giấy phép lái xe đó theo đúng quy định, không phải đi khám sức khoẻ nếu không có yêu cầu theo qui định của pháp luật hiện hành.
Xin cảm ơn ông.
Thái Hà
thực hiện