Bộ Văn hóa đề xuất chi hơn 48 tỷ khai quật tàu cổ ở biển Dung Quất

Dự kiến thời gian khai quật tàu cổ Dung Quất bắt đầu từ tháng 7/2018 đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành.
Một số di vật gốm sứ tìm thấy ở vị trí tàu cổ đắm tại Dung Quất. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt phương án khai quật tàu cổ tại vùng biển Dung Quất (Quảng Ngãi) của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 

Theo đó, Bộ Văn hóa là cơ quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng thời là chủ đầu tư; Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì khai quật. Bán kính khai quật sẽ rộng 100 m từ vị trí tàu đắm. Dự kiến thời gian khai quật tàu cổ Dung Quất bắt đầu từ tháng 7/2018 đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành.

Bộ Văn hóa đề xuất tổng kinh phí đầu tư khai quật là 48,4 tỷ trích từ ngân sách nhà nước. Trong đó kinh phí khai quật, trục vớt, nghiên cứu, bảo quản, xử lý bước đầu hiện vật và xác tàu là 39 tỷ; điều tra, khảo sát, thăm dò, lập phương án khai quật hết 1,3 tỷ; kinh phí dự phòng 8 tỷ.

Ngoài ra, Bộ đề xuất trích 10 tỷ từ ngân sách tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ bộ đội biên phòng, công an địa phương tham gia bảo vệ hiện trường từ khi phát hiện tàu đắm đến nay cũng như quá trình khai quật sắp tới.

Đề án nêu, kinh phí trên chỉ đáp ứng công tác khai quật, trục vớt xác tàu và cổ vật, xử lý bước đầu...; việc bảo quản, phục dựng xác tàu và phát huy trưng bày toàn bộ con tàu sẽ được nghiên cứu, lập dự toán riêng.

Phương án nêu trên còn phải được Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét.

Theo thống kê, gần 30 năm qua có 6 tàu cổ đắm tại vùng biển Việt Nam được trục vớt với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp, qua đó, hàng chục nghìn cổ vật không được bảo toàn ở trong nước; nhiều cổ vật có giá trị bán đấu giá hàng triệu USD.

Vì vậy, Bộ Văn hóa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà nghiên cứu mong muốn được lưu giữ toàn vẹn tàu cổ Dung Quất và đầy đủ hiện vật để giới thiệu về lịch sử giao thương trên biển, quảng bá giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam.

“Giới nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam rất mong mỏi được khai quật tàu cổ Dung Quất bằng nguồn kinh phí nhà nước”, đề án nêu.

Dự kiến có 30 cán bộ khoa học, 10 cán bộ kỹ thuật, 20 cán bộ bảo quản, 10 chuyên gia tư vấn khoa học trong và ngoài nước sẽ tham gia cuộc khai quật.

Tháng 7/2017, trong quá trình nạo vét luồng lạch làm cảng nước sâu xây dựng cảng tại vùng biển Dung Quất, Công ty Hào Hưng phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ và ván thuyền ở độ sâu 9 m, cách bờ 7 m.

Sau đó, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng các nhà khảo cổ học phát hiện xác tàu cổ dài khoảng 30 m, rộng 10 m, có nhiều chồng gốm sứ hoa lam cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại thế kỷ XVI. Nhiều hiện vật đáy ghi ký tự Đại Minh Gia Tĩnh niên chế đời vua Minh Thế Tông (1521-1576)

Chuyên gia nhận định có khả năng tàu chở cổ vật đi qua vùng biển Quảng Ngãi thì bị đắm.

Ngày 12/6, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa khẩn trương tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi để hoàn chỉnh nội dung và dự toán phương án khai quật... Bộ Tài chính thẩm định dự toán phương án thăm dò, khai quật, tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung kinh phí.

Theo Theo Vnexpress