Là người chất vấn đầu tiên, ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt câu hỏi về đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020. Nữ nghệ sĩ đang là Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đặt câu hỏi với Bộ trưởng, liệu đến năm 2020 đề án này có đạt được mục tiêu như mong muốn? Trình độ ngoại ngữ học sinh, sinh viên còn cao hơn cả giảng viên, có phù hợp không?
Trả lời chất vấn về việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đề án dạy ngoại ngữ không đạt mục tiêu. Dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, cần có thời gian, chi phí rất lớn. Dù đã đề ra lộ trình cụ thể, đồng thời khẳng định quyết tâm cao thực hiện để đạt kết quả như mong muốn, song việc triển khai còn gặp nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc này, đồng thời cho biết, đang rà soát, điều chỉnh cách tiếp cận, sau đó mới đến mục tiêu, làm sao để chương trình nội dung phải thống nhất, trong đó chú ý đào tạo đội ngũ giáo viên, vấn đề đặt lên hàng đầu. Đồng thời, phải làm sao để phương thức tổ chức giảng dạy nhiều người được hưởng lợi, ai cũng có thể tham gia, ai cũng được hưởng thành quả hội nhập. Trong đó, Bộ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề xã hội hóa, phải được xác định là tâm điểm. Việc điều chỉnh này, tới đây sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho hay, đề án ban đầu cũng đạt được những kết quả, xây dựng được chương trình triển khai ở địa phương và đặc biệt là đã rút ra được những bài học kinh nghiệm. Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, khi đạt được trình độ cả nước nói tiến Anh, trung bình phải mất 38 năm, phải có lộ trình, bước đi.
Bộ trưởng khẳng định, nguyên tắc chung là thầy phải cao hơn về trình độ, tuy nhiên phải thừa nhận thực tế, học sinh học ngoại ngữ thường nhanh hơn, còn cán bộ công chức không phải ngày một ngày hai mà học được, vì thế cũng không nên cứng nhắc khi tuyển vào. Bộ trưởng Nhạ cũng nói thêm, sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để cùng giải quyết vấn đề này.