Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bỏ tư duy giáo dục thể chất là môn phụ

TPO - Chia sẻ mối lo lắng về tầm vóc nhỏ bé của học sinh các cấp hiện nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của giáo dục thể chất trong nhà trường.  
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất, thể thao trong trường học được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đối với cơ sở vật chất, ở bậc mầm non, toàn quốc số điểm trường mầm non có sân chơi đạt 99,4%, trong đó số sân có đồ chơi ngoài trời đạt tỷ lệ 75%; có 31% số trường có phòng giáo dục phát triển thể chất cho trẻ; 64% số nhóm trẻ và75% số lớp mẫu giáo có đủ thiết bị, đồ chơi giáo dục phát triển vận động cho trẻ.

Sân giáo dục thể chất của ĐH Thủy lợi

Đối với giáo dục phổ thông: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác GDTC và thể thao trong nhà trường từng bước được tăng cường, đáp ứng được một phần yêu cầu về sân tập, nhà tập, trang thiết bị dụng cụ thể dục thể thao, góp phần thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học.

Hiện nay, cả nước có 17% trường tiểu học có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT. Trung học cơ sở có 12% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; Trung học phổ thông có 30% số trường có nhà tập TDTT, 15% số trường có sân tập TDTT; 0,4% cơ sở giáo dục có bể bơi; 1,06 sân tập các môn thể thao (Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng rổ..) /mỗi cơ sở giáo dục;

 Đối với giáo dục ĐH cả nước hiện có 64% số cơ sở đào tạo có nhà tập TD,TT; 13% số cơ sở đào tạo có bể bơi; 72% số cơ sở đào tạo có sân tập TD,TT.

Về sân tập các môn thể thao (cầu lông, Bóng chuyền, Bóng rổ ...) mỗi trưởng có gần 7 sân/trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT thì cơ sở vật chất phục vụ công tác GDTC vẫn còn thiếu. Đội ngũ giáo viên giảng viên TD còn thiếu về số lượng và trình độ, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu;

GVMN thiếu nhiều ảnh hưởng đến giáo dục thể chất và phát triển vận động cho trẻ. Tiểu học có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách về GDTC (từ 1 - 2 người, phần lớn là 1 người). Trên 90% giờ học thể dục ở cấp tiểu học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy nên chất lượng giảng dạy GDTC chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao.

Không được coi giáo dục thể chất là môn phụ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tới sự thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của giáo dục thể chất trong nhà trường và cho rằng, tất cả phải cùng thay đổi nhận thức này, từ Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng, Hiệu trưởng các nhà trường tới các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng, giáo dục thể chất là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo con người hoàn thiện đức - trí - thể - mỹ, mặc dù vậy, lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường được đặt ở vị trí là môn phụ, nhiều thầy cô dạy giáo dục thể chất cảm thấy “mặc cảm” trước đồng nghiệp. Nhưng không phải cứ kêu gọi là môn phụ trở thành môn chính, mà bản thân giáo dục thể chất phải thay đổi để trở thành nhu cầu, niềm đam mê, có như thế giáo dục thể chất mới không còn được coi là môn phụ.

Chia sẻ mối lo lắng về tầm vóc nhỏ bé của học sinh các cấp hiện nay, Bộ trưởng nhận định, làm tốt hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường sẽ mang lại tác động “kép”. Một mặt sẽ nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho học sinh nhưng mặt khác cũng sẽ giúp các em vui tươi hơn, tăng tính chủ động, giàu ý chí, nghị lực vươn lên tạo dựng tương lai cho bản thân và đóng góp cho xã hội.

“Nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất ngay từ các cấp học mầm non, tiểu học, sẽ đỡ rất nhiều cho xã hội sau này. Đây chính là đầu tư cho tương lai hay chính là khả năng dự phòng trước về sức khỏe. Không khỏe mạnh làm sao vui tươi và phát triển được”, Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh tới tính thiết thực và hiệu quả của giáo dục thể chất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học.

“Nhiều địa phương, nhà trường đề cập đến khó khăn về cơ sở vật chất thiết bị, sân chơi, bãi tập phục vụ cho việc dạy và học giáo dục thể chất, đây đúng là vấn đề khó, vì vậy cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa các điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức dạy và học. Hiện nay, một số địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa hỗ trợ hoạt động giáo dục thể chất. Phương án xã hội hóa cần được các địa phương tính tới nhiều hơn. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục thể chất trong nhà trường. Về lâu dài, chúng ta cần có lộ trình để đầu tư trang thiết bị đảm bảo đầy đủ và chuyên nghiệp”.

Để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý, các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm giáo dục thể chất tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, mở rộng các chương trình hướng dẫn phong trào, tổ chức các câu lạc bộ; tài liệu giáo trình tránh lý thuyết mà chú trọng tới tính hướng dẫn thực hành, thiết thực và hiệu quả.