Vấp nhiều khó khăn
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, thủ đô có hơn 2,2 triệu học sinh; kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sắp tới dự kiến có khoảng 92.000 thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023 dự kiến có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS, gần 100.000 em dự thi tuyển sinh vào lớp 10. Hà Nội đã quyết định sẽ giữ ổn định phương thức thi tuyển sinh như năm ngoái. Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái, học sinh làm 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 (Lịch sử).
Về tuyển sinh đầu cấp đối với mầm non, lớp 1, lớp 6 năm nay cũng giữ ổn định như năm ngoái bằng hình thức phân tuyến tuyển sinh và dùng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến. Riêng trẻ mẫu giáo, nhà trẻ năm học tới dự kiến có khoảng 525.000 trẻ; 140 em sẽ vào lớp 1 (giảm khoảng 20.000 em so với năm ngoái); 151.000 em vào lớp 6 (tăng khoảng 15.000 em so với năm ngoái). Hà Nội sẽ tăng quy mô tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất trường học, giảm số học sinh trái tuyến và sĩ số học sinh/lớp.
Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp có diện tích từ 5ha trở lên và có cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước phát triển, với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng tại 7 quận, huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì, Thạch Thất và Sóc Sơn).
Trần Hoàng
Hà Nội thừa nhận, điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đồng đều, phần mềm học trục trặc, mạng không ổn định…, ảnh hưởng sức khỏe giáo viên, học sinh. Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn nhiều khó khăn, một số phường thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng vẫn không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn quá đông. Hầu hết các trường trong các quận có diện tích đất quy mô nhỏ, số học sinh/ lớp đông. Đội ngũ giáo viên công lập thiếu, các trường ngoài công lập thường xuyên biến động, tác động đến dạy và học.
Đặc biệt, cấp học mầm non sau dịch COVID-19 nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ giải thể hoặc đã giải thể dẫn đến thiếu giáo viên, trường học khi trẻ đi học trở lại.
Do đó, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hoá, giảm áp lực lên hệ thống trường công. Ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học trong khu vực nội thành. Với Bộ GD&ĐT, Hà Nội đề nghị cho phép không bắt buộc bố trí giáo viên biên chế ở một số môn học đặc thù mà có thể sử dụng hình thức ký hợp đồng thỉnh giảng như: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ. Hướng dẫn định mức, cơ cấu giáo viên các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt các môn ghép để địa phương có cơ sở thực hiện. Chỉ đạo các trường ĐH đẩy nhanh tiến độ đào tạo giáo viên để đảm nhiệm dạy môn học tích hợp là môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quyết liệt giảm sĩ số học sinh/lớp
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền không đồng đều. Mục tiêu định hướng đến là năm 2030, tầm nhìn 2045, địa phương phải có chất lượng hàng đầu cả nước, có năng lực cạnh tranh với quốc tế. “Muốn làm được việc này, cần thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội đô; tính toán, cân nhắc lại tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các đô thị đặc thù. Với áp lực tăng dân số cơ học vô cùng lớn, nếu không linh hoạt về đội ngũ, tổ chức bộ máy, Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng ăn đong”, ông Phong nói.
Về lộ trình cho học sinh đi học trở lại, Hà Nội thông tin, sau Tết Nguyên đán, mở cửa đa số trường học (trừ lớp 1-6 các quận nội thành). Tính đến ngày 6/3, với bậc THCS, số học sinh đến trường chỉ còn 46,7%; bậc THPT, tỷ lệ này là 58,4%. Những học sinh còn lại phải chuyển sang học trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đặc thù của Hà Nội là quy mô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều và thách thức rất lớn. “Không có địa phương nào, áp lực về chất lượng, đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội đối với giáo dục lại cao như ở Hà Nội”, ông nói. Theo ông, giáo dục Hà Nội có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục ĐH cả nước, mà quan trọng hơn còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trước mắt Hà Nội cần có chiến lược giảm sĩ số học sinh/lớp. Đây là việc rất lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này. Đối với giáo dục phổ thông, quan trọng nhất là giáo dục đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ học sinh. Không gian giáo dục của Hà Nội không chỉ trong trường học, mà còn có nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng… “Về giải pháp chính sách, Bộ GD&ĐT sẽ cùng phối hợp, rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như mở đường cho phát triển giáo dục”, ông Sơn nói.