Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ rất khó thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới; vượt qua bẫy thu nhập trung bình; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế...
Tái cơ cấu nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách đối với nước ta hiện nay, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững, vì con người và lấy con người làm trọng tâm.
Về nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Dũng giải thích, nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%, trong đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.
Ông Dũng giải thích thêm, để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7% với hệ số ICOR dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỷ đồng (trong đó năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ đồng và kế hoạch 2017 dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng). Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của nhà nước.
“Nếu chúng ta làm tốt tái cơ cấu, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu chúng ta đặt ra. Nếu làm không tốt tái cơ cấu kinh tế, thì thậm chí mục tiêu 9 triệu tỷ cũng khó đạt được”, ông Dũng nói.
Từ đó, ông Dũng cho rằng cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt, tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, tờ trình về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và 70 nhiệm vụ gắn thời gian thực hiện cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.
Riêng trong giai đoạn 2017 - 2018 có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay, đó là kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, Chính phủ cũng đề xuất áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lên kế hoạch kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt. Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực Nhà nước, trước hết là DNNN; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước.
Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến khoảng 10.567.000 tỷ đồng theo giá thực tế.