Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Chỗ nào rẻ không bị ràng buộc thì mới vay'

TPO - Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ vay khoảng 30%. Tuy nhiên, nếu vay ODA mà lãi suất cao, bị ràng buộc điều kiện thì ưu tiên vay trong nước.

Chiều 20/11, báo cáo giải trình ý kiến đại biểu nêu ra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch dự án có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại Thủ Thiêm (TPHCM).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Ông Thắng cho biết, Hà Nội - Lạng Sơn và TPHCM - Cần Thơ sẽ có 2 dự án đường sắt riêng và được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn hỗn hợp cả người và hàng hóa.

"Hai đoạn tuyến này, nhu cầu hàng hóa rất cao nên chúng ta sẽ kết hợp chở hàng hóa và người. Hiện nay, dự án TPHCM - Cần Thơ chúng tôi đã nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và đang thu xếp nguồn vốn”, ông Thắng thông tin.

Liên quan đến vấn đề công nghệ, trên cơ sở nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp, kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Chính phủ lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray phù hợp với xu thế của thế giới và đảm bảo hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả trong vận hành, bảo trì và thuận tiện tiếp nhận công nghệ.

Không bị ràng buộc mới vay

Thông tin về phương thức đầu tư, ông Thắng nêu kinh nghiệm quốc tế của 27 dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt theo phương thức PPP cho thấy, không khả thi. “Báo cáo với các đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã đi khảo sát hết rồi, hiện tất cả các dự án đường sắt tốc độ cao được đầu tư theo hình thức PPP, các nước đều phải mua lại hết, không có nơi nào tư nhân có thể làm được vì chi phí rất lớn”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Quốc hội thảo luận dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Như Ý

Giải trình ý kiến đại biểu nêu ra về nguồn vốn, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, để đầu tư dự án và hoàn thành vào năm 2035, từ năm 2027, mỗi năm cần số vốn 5,6 tỷ USD. Khi xây dựng đề án, Chính phủ dự kiến vay tối đa là 30%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ chưa quyết định việc vay trong nước hay vay ODA mà phụ thuộc vào hiệu quả.

“Nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện thì đó là một điều rất tốt, còn nếu có ràng buộc điều kiện thì chúng tôi ưu tiên vay trong nước”, ông Thắng nêu quan điểm.

Thông tin thêm, ông Thắng cho biết, trong dự án đường sắt tốc độ cao có sử dụng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài cho phần đầu máy toa xe và phần thông tin tín hiệu. Dự kiến hạng mục này chiếm khoảng 24% của dự án và sẽ giao cho doanh nghiệp để thực hiện vay, với lãi suất thấp và không bị ràng buộc. “Khi đó, chỗ nào tốt, chỗ nào rẻ và không bị ràng buộc thì chúng ta vay”, ông Thắng nói.