Về đích nhiều chỉ tiêu nhưng thách thức cũng không ít
Về những hoạt động của ngành trong năm qua,Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022 tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường và dị biệt, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung và sức mua trong nước và tăng chi phí vốn sản xuất của doanh nghiệp.
Với nỗ lực và quyết tâm cao, ngành công thương đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Bên cạnh những điểm sáng trên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV. Các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ..., doanh thu giảm, cắt giảm giờ làm, giảm lao động.
Với thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương. Đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.
Bộ Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận hệ thống hạ tầng thương mại như: chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cùng Bộ NN&PTNT phát triển thị trường xuất khẩu trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nông sản xuất khẩu vượt mức kỷ lục năm 2021 với 54 tỷ USD kim ngạch, thặng dư hơn 10 tỷ USD có một phần công sức không nhỏ của các tham tán thương mại, thương vụ các thị trường nước ngoài cũng như sự chung tay của Bộ Công Thương trong việc khai thác các thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm trong năm qua, giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng.
Tại hội nghị, đại diện UBND các tỉnh Thanh Hoá, Cần Thơ mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác xúc tiến thương mại, sớm hoàn tất quy hoạch điện VIII với các giải pháp giúp các địa phương hình thành trung tâm năng lượng lớn. Trước tình trạng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, đại diện các địa phương cũng kiến nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận và vay vốn, có lực để phục hồi sản xuất.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam - cho rằng, cần tự chủ trong sản xuất cơ khí. Theo ông Sáng, dù chúng ta phát triển công nghiệp tốt, xuất khẩu trên 700 tỷ USD nhưng hơn 70% số này là thuộc về các DN FDI. Việt Nam đang thiếu các sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện chúng ta chưa có quy hoạch, chiến lược, lộ trình làm chủ các thiết bị liên quan đến công nghệ bauxite, đường sắt cao tốc.
“Làm sao lấy 400 tỷ USD thị trường ngành cơ khí làm nguồn động lực, tài nguyên phát triển nền kinh tế đất nước. Đề nghị Bộ Công Thương, cùng các ngành như giao thông… khi phát triển các chương trình nên có chiến lược nội địa hóa. Thậm chí trong chừng mực nào đó nên luật hóa. Kiến nghị Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ đề nghị có lộ trình làm chủ thiết bị cơ khí của cả các bộ ngành khác”, ông Sáng kiến nghị.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế cần giải quyết. Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại, sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao, xuất khẩu còn phụ thuộc khối FDI; việc chuyển hoạt động xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm, hệ thống hạ tầng thương mại còn hạn chế, làm gia tăng chi phí, giảm cạnh tranh. Cùng đó, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương, tình trạng buôn lậu vẫn phức tạp, công tác cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh cũng xảy ra ở một số lĩnh vực.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các tồn tại trên xuất phát từ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, kịp thời với các vấn đề mới với các thay đổi nhanh chóng từ bên ngoài.
“Công tác giám sát của cấp trên với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời. Đây là điểm nghẽn của ngành trong nhiều năm qua. Vì vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cầu thị và kịp thời để có các giải pháp khả thi khắc phục những điểm yếu trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Về những nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng sẽ còn nhiều khó khăn phải đối mặt. Bộ Công Thương đặt 8 nhiệm vụ để hoàn tất mục tiêu đề ra.
”Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành”, ông Diên cho hay.
Một nhiệm vụ nữa được Bộ Công Thương tập trung triển khai là phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân. Điểm nhấn nữa, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.