Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Tăng vị thế nhà giáo, 'cởi trói' ngành Giáo dục

TP - Lần đầu tiên, nhà giáo được đề xuất có riêng một luật. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong về những điểm mới tăng vị thế nhà giáo và cởi trói cho ngành Giáo dục trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày dự thảo Luật Nhà giáo tại kì họp Quốc hội thứ 8. Ảnh: NHƯ Ý

Nhiều đặc thù mới cho nhà giáo

Thưa Bộ trưởng, dự thảo Luật Nhà giáo vừa được đưa ra Quốc hội lấy ý kiến tại kì họp thứ 8, ông tâm đắc với những nội dung nào nhất được đề xuất trong dự thảo luật này?

Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Chất lượng nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân mỗi thầy cô giáo, còn có vai trò của môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo như tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ, phát triển…

Trong thời gian dài, Bộ GD&ĐT đã tích cực, chủ động, kiên trì chuẩn bị cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng một luật điều chỉnh riêng về nhà giáo nhằm đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới về cách tiếp cận, chuyển từ quản lí chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lí bằng chuyên môn, chất lượng; từ quản lí nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện hệ thống quản lí giáo dục, quản trị trường học. Đây là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống.

Một điểm đáng chú ý khác là dự án Luật quy định yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Ngành Giáo dục được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lí nhà giáo. Cùng đó, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có nhu cầu.

Các nhà giáo mong chờ Luật Nhà giáo sớm đi vào thực tế. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Trăn trở lương giáo viên

Như Bộ trưởng vừa thông tin, dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục đề xuất “lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp”. Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng chia sẻ, đây là lần thứ 3 ông cùng với Ban soạn thảo của Bộ GD&ĐT đưa vấn đề tiền lương vào Luật. Nội dung này cũng được nêu trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và mới đây được nhắc lại trong Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, nội dung này chưa thực hiện được. Ông đặt niềm tin như thế nào vào đề xuất này?

Trong suốt thời gian vừa qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách tiền lương cho nhà giáo, bởi thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Có thể thấy, đội ngũ nhà giáo chiếm số lượng đông đảo, với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho nên dẫu thực sự quan tâm, nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này, còn phải cân đối nguồn ngân sách Nhà nước có thể chi trả.

Nước ta mới thoát nghèo chưa lâu, nhu cầu nguồn lực cho phát triển rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn. Cho nên, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng, nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.

Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi muốn nhấn mạnh lại, đây là việc cần thiết và cần tính toán. Trong thời gian qua, dù chưa thực hiện được nhiều, song với hai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo đã được cải thiện một bước, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên.

Ông từng nói ngành giáo dục được nắm tất cả mọi thứ trừ 2 điều: giáo viên và tài chính. Điều này sẽ được giải quyết ở Luật Nhà giáo như thế nào, thưa ông?

Quản lí Nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu.

Quản lí Nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lí chuyên biệt phù hợp, trong đó nhà giáo thấy được nghề nghiệp, sứ mệnh, con đường phát triển của bản thân, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kì vọng của xã hội.

Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lí; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lí giáo dục hoặc cơ sở giáo dục giữ vai trò chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lí nhà giáo và triển khai theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Việc chuyển tư duy quản lí Nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lí nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lí Nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ bộ tới sở, phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.

Chúng tôi mong rằng, việc quản lí Nhà nước về nhà giáo được xây dựng trên yếu tố chuyên môn và chất lượng như vậy sẽ hướng đến việc quản lí chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề.

“Kết quả tích cực của ngành Giáo dục trong những năm qua có sự đóng góp to lớn của các thầy, các cô. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn, niềm tự hào và xin ghi nhận công sức của tất cả các thầy cô”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Một trong những động lực to lớn để nhà giáo có thể gắn bó với nghề, yêu nghề, đó là vị thế và sự tôn vinh nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp như thế nào để có thể tiếp tục nâng cao được vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?

Phải khẳng định lực lượng nhà giáo luôn rất yêu nghề và rất mong muốn được xã hội chia sẻ, ghi nhận, để thể hiện tốt nhất bản thân, cống hiến cho nghề nghiệp và có cơ hội để thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình.

Thời gian qua, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đã tạo cơ sở pháp lí rất quan trọng để quản trị ngành, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, với tính chất là một lực lượng viên chức, người lao động rất đặc biệt, cũng cần thêm những cơ sở pháp lí để những sự ghi nhận, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của nhà giáo được thể chế hóa.

Với dự án Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, chúng tôi mong rằng, với các chính sách được đề cập trong luật, khi được thông qua, được thực thi trong thực tế, sẽ là công cụ quan trọng để phát triển lực lượng nhà giáo.

Tôi muốn bày tỏ niềm tự hào về những nỗ lực, cống hiến của các thầy, các cô. Các thầy cô rất giỏi chuyên môn, rất tận tụy với nghề, đã làm việc với tất cả sức lực, trí tuệ và tình cảm của mình dành cho người học.

Tôi mong rằng, thầy cô sẽ tiếp tục thể hiện sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm để thể hiện mình nhiều hơn nữa, nhân lên nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp, và như vậy xã hội sẽ ghi nhận chúng ta nhiều hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.