Cuộc thiên di có một không hai
Từ sáng tinh mơ, chúng tôi bắt đầu lên đường đi tìm người Thủy. Từ trung tâm Tuyên Quang, chạy xe máy xuyên qua huyện Chiêm Hóa, theo đường rừng vắt qua huyện Lâm Bình. Suốt quãng đường gần 200 km, mò mẫm hỏi về người Thủy nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Rồi niềm tin loé lên khi nghe tin người Thủy đang sinh sống ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.
Trụ sở xã Hồng Quang nằm ven quả đồi. Đang loay hoay không biết làm sao thì có một thanh niên trẻ bước vào. Sau hồi giới thiệu, chúng tôi mới biết anh có tên Lý Văn Lâm, dân tộc Dao, Bí thư Đoàn xã Hồng Quang. Sau chén trà xanh, Lâm bảo quãng đường từ đây vào bản người Thủy còn hơn 10km nữa. Lâm cho biết, bộ tộc người Thủy sống tập trung dưới đỉnh núi Pù Chậu.
Đường dẫn vào bản người Thủy đất đá lồi lõm, lầy lội, uốn quanh núi đồi. Thấp thoáng trong sương là những rặng cọ vút cao. Qua đèo Buông chừng 1 km, bản người Thủy hiện dần dưới chân núi Pù Chậu. Người Thủy đầu tiên chúng tôi gặp là hai thầy mo Bàn Văn Kim (77 tuổi) và Mùng Văn Lụ (71 tuổi).
Hai cụ người nhỏ thó, nói tiếng Kinh lơ lớ, tuổi cao nhất bản. Hai cụ đang nhâm nhi rượu trưa. Cụ Bàn Văn Kim bảo: “Cán bộ phải uống rượu thôi. Rượu ngon lắm. Uống là cháy cổ à. Chỉ có uống rượu thì mới nói chuyện thôi”. Chúng tôi không ai bảo ai, nâng chén, tu một hơi hết sạch. Rượu vào tầm, cụ Kim cho biết, mình là thầy mo uy tín nhất trong làng. Cụ Kim có một con trai và năm cô con gái với năm cháu cả nội lẫn ngoại.
Kể về cuộc thiên di, mắt cụ Kim rưng rưng bảo, cách đây hàng trăm năm, hồi còn sống ở Quý Châu - Trung Quốc, do mùa màng hạn hán, đói kém, người Thủy phải chia nhau đi tìm mảnh đất mới. Một bộ phận người Thủy hướng về phương Nam với hy vọng ở đó có nhiều cây xanh.
Sau quãng đường hàng ngàn km, nhiều người Thủy trong đoàn bộ hành đã ngã xuống do ốm đau, bệnh tật, đói khát. Vùng rừng núi Vị Xuyên (Hà Giang) được chọn làm nơi cư trú mới. Cụ Kim cho biết, do ngôn ngữ và tập tục khác hẳn với các dân tộc ở Hà Giang nên nhóm người Thủy phải sống biệt lập.
Sống biệt lập nên họ phải lấy người cùng huyết thống. Hôn nhân cận huyết đã làm người Thủy chết dần chết mòn. Một lần nữa, người Thủy lại tiếp tục cuộc thiên di. Khi đặt chân đến thung lũng Pù Chậu, họ chỉ còn lại 13 người của ba dòng họ Lý, Mùng, Bàn.
Vật thiêng
Cụ Kim và cụ Lụ cho biết, sỡ dĩ họ tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ có các đấng thần linh che chở. Rồi hai cụ cùng kể, báu vật ngàn đời của dòng giống tộc Thủy chính là hòn đá thiêng. Cụ Kim dẫn chúng tôi vào giữa nhà, lần tay dở lớp vải lấy ra một hòn đá to bằng nắm tay.
Tôi xin phép được sờ vào hòn đá. Nhìn qua, hòn đá thiêng trông giống như bao hòn đá khác. Chỉ điều, giữa hòn đá có một cái lỗ. Từ cái lỗ đó, cụ Kim cho xuyên một sợi dây. Phía trên đầu dây là một cái que dùng để cầm mỗi khi cúng thần cho ai đó.
Đưa tay đung đưa hòn đá, cụ Kim cười bảo: “Đá thiêng đó. Không đùa được mô. Thần linh đã nhập vào hòn đá, ai được che chở sẽ trường thọ, sinh sôi nảy nở”.
Theo cụ Kim, ngày còn ở phương Bắc, tổ tiên người Thủy rất hùng cường, bị nhiều tộc người khác ghen tị. Họ biết người Thủy có vật thiêng che chở nên đã tìm mọi cách đánh cắp rồi xóa hết phép màu. Xuống phương Nam lánh nạn, cụ Kim trèo đèo, lội suối, tìm hòn đá ưng ý, đem về nhà cúng cẩn, làm phép.
Tộc người Thủy không còn phải thiên di nữa. Họ tập trung sinh sống dưới chân Pù Chậu, rồi sinh con đẻ cái, cuộc sống ấm no và dần đi vào ổn định.
Bà Bàn Thị Tài - Bí thư chi bộ thôn Thượng Minh, cười bảo, người Thủy đã không lo tận diệt nữa. “Con dâu nhà tôi là người Thủy đó” - bà Tài khoe.
Cũng theo bà Tài, người Thủy không còn tình trạng hôn nhân cận huyết. Họ đã ưng cái bụng với những chàng trai khỏe như con trâu trên rừng của người Pà Thẻn hay xuôi lòng với những cô gái đẹp như hoa rừng của tộc người Tày, Dao.
Vượt qua bóng núi
Khi chia tay, cụ Kim giơ cao hòn đá, niệm vài câu thần chú, chúc chúng tôi vượt rừng bình an. “Thuận đường, thuận gió, thuận bụng người. Hổ báo ngửi mùi phải tránh xa...” - cụ lẩm nhẩm. Trên đường ra, chúng tôi ghé vào nhà chị Lý Thị Toàn, sinh năm 1988, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồng Quang.
Chị Toàn là người Thủy, đẹp như bông hoa rừng. Vì mải mê học hành, học xong được người trong xã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nên đến giờ các chàng trai Pà Thẻn, Dao, Tày, Mông vẫn chưa ai lọt vào mắt xanh. Chị Toàn là con gái đầu của ông Lý Văn Ngọc. Ông Ngọc là đảng viên duy nhất của tộc người Thủy.
Dân tộc Thủy có ghi trong danh mục các dân tộc Việt Nam với tên gọi là Tống Thủy. Nay được xếp cùng với dân tộc Pà Thẻn vì có văn hóa tương đồng. Dân tộc Thủy nằm trong Đề án phát triển các dân tộc ít người, cùng 16 dân tộc khác của cả nước. - Ông Nguyễn Lâm Thành - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Ông Triệu Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, cả xã có 6 dân tộc anh em, cùng sinh sống là Tày, Dao, Kinh, Pà Thẻn, Mông, Thủy. Gia đình người Thủy đã có sự giao thoa: vợ Pà Thẻn, chồng người Thủy, chồng Dao vợ Thủy...
Còn theo ông Ma Công Võ - Trưởng Công an xã Hồng Quang, người Thủy hiện có 20 hộ với 96 khẩu, trong đó nữ có 43 người, người 14 tuổi trở lên có tới 26.
Ông Lý Văn Ngọc cho biết, nhờ tấm gương của chị gái mà đứa em thứ hai của Toàn là Lý Thị Hạnh đã miệt mài học tập và thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia ở Hà Nội. Hai em trai cũng đang gắng sức theo nghiệp bút nghiên tại trường THPT huyện Lâm Bình.
Ông Mai Đình Nhiêu - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang tự hào rằng, tấm gương của chị em Toàn là động lực để nhiều gia đình người Thủy dám cho con em vượt qua các dãy núi thần linh để kiếm cái chữ về xây dựng quê hương.
Tết Nhâm Thìn sẽ là cái Tết ấm no đối với người Thủy. Nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn cho mình một con lợn. Trước là thờ thần linh, tưởng nhớ ông bà cha mẹ, sau là để con cháu sum vầy. Vào ngày mồng 2 Tết, con cháu trong bản sẽ kéo về nhà thầy mo Bàn Văn Kim để chúc thọ, rồi cùng nhau tính chuyện tương lai.