> Khốn đốn vì xây chợ, mở phà
> Chợ xây rồi… để đó
Hơn một năm trời từ ngày chợ Tiên An mọc lên, nhưng bà con vẫn không giấu được vui mừng: hết cách trở đò giang, hết chạy 10 cây số mua thức ăn để dành cho cả tuần, có chợ trăm đường lợi. Trước đây, dân Vĩnh Sơn muốn mua bán giao thương phải lên đến chợ Kênh, chợ Trung Sơn (Gio Linh), vừa mất thời gian vừa đắt đỏ.
“Gia đình tui cũng như hầu hết dân ở đây, quanh năm mua thức ăn của mấy bà đạp xe bán quanh xóm, vừa ít thứ vừa ươn, nhưng phải chấp nhận vì thời gian đâu để ngày nào cũng đi về hai chục cây số. Cần một cái chợ cho thôn mình, nghĩ rứa, vợ chồng tui bắt tay vào xây chợ”, anh Nam kể.
Khu đất mà chợ Tiên An bây giờ tọa lạc trước là một cái ao rộng và sâu, anh phải đổ đến 8.000 khối đất mới lấp đầy. Sau hai tháng thi công, tháng 5/2012, chợ hoàn thành đưa vào sử dụng. Bà con trong thôn phấn khởi tới nhà anh đăng ký “xí chỗ”. Chợ họp từ 5 giờ sáng, với hơn 100 sạp hàng, chỗ ngồi buôn bán. Cá, mực từ biển Cửa Tùng, Cửa Việt đã có mặt ở đây. Rồi những mặt hàng “lạ hoắc” cũng về thôn, là áo quần, giày dép, mỹ phẩm. Bên mép chợ, dãy hàng ăn sáng lúc nào cũng đông, mấy cụ già thủ thỉ hồi chưa có chợ, sáng dậy nấu cho ra nồi cơm ăn cũng đủ cực, chừ mấy bước chân ra chợ, ưng chi có nấy.
Anh Nam nhẩm tính chi phí xây chợ hơn 600 triệu đồng, đó là số tiền anh tích cóp sau mấy vụ nuôi tôm sú, nhưng vẫn chưa nghĩ đến việc thu phí của bà con. Mỗi buổi chợ tàn, vợ chồng anh cùng nhau quét dọn, tập kết rác cho sạch sẽ, sợ người ta vô ý đổ xuống sông thì không mấy chốc ô nhiễm.
Ông Lê Thanh Hoài, cán bộ UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết: Chợ Tiên An không chỉ giúp người dân thuận tiện mua bán, mà còn giải quyết việc làm cho gần 100 lao động trong thôn. Mong rằng có thêm nhiều anh Nam như thế này, để nông thôn bớt khổ cực, thiếu thốn”.