Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất kiến nghị của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ngày 4/11, Bộ Tài chính đã có công văn số 1388 gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính trong ngày 4/11 để kịp thời điều chỉnh trong kỳ điều hành gần nhất.
Qua theo dõi tình hình, diễn biến thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính đã chủ động gửi nhiều văn bản đề nghị Bộ Công Thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phối hợp báo cáo các chi phí kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, vấn đề khó khăn nhất và là lối thoát duy nhất cho thị trường hiện nay chính là Bộ Tài chính thực hiện ngay việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối tạo nguồn thông qua điều chỉnh đủ các khoản chi phí cho doanh nghiệp.
Hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do các chi phí chưa được tính đầy đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Cụ thể, premium nhập khẩu (khoản phí doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp) đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở. Ngay cả khi đã được Bộ Tài chính điều chỉnh ngày 7/10 vừa qua, chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đến nay thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả từ 40 đến 60 đồng/lít.
Ngày 3/11, trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để cập nhật chi phí tính giá cơ sở với xăng dầu, cần có ý kiến từ Bộ Công Thương và đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến các chi phí phát sinh. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính mới nhận được văn bản kiến nghị của 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, chưa nhận được văn bản của Bộ Công Thương về vấn đề này.
Theo ông Phớc, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định, trong trường hợp giá xăng dầu có biến động mạnh, Bộ Tài chính phải tập hợp ý kiến để trình, tham mưu cho Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính đã có ba văn bản và ngày hôm qua (2/11) cũng đã phát tiếp văn bản gửi các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 7 doanh nghiệp gửi báo cáo, trong khi Bộ Công Thương chưa có ý kiến thì không thể làm được”, ông Phớc cho hay.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi thực hiện điều chỉnh “phải đồng bộ” theo đúng quy định của luật, trên cơ sở báo cáo chi phí phát sinh được doanh nghiệp đầu mối xăng dầu báo cáo, Bộ Công Thương gửi văn bản cho ý kiến, mới làm căn cứ để tính giá và đưa ra mức chi phí trung bình.