Trẻ gặp nguy vì DHA
Mấy năm gần đây, thị trường sản phẩm dinh dưỡng Việt Nam giành cho trẻ liên tục nhắc tới DHA, ARA. Từ sữa đến bánh kẹo, thậm chí vài loại mỳ tôm cùng bổ sung các thành phần này để tiếp thị. Nhiều phụ huynh nghe nói gì tốt cho con là chạy theo.
Song sự thực, theo Ths. Lê Quốc Thịnh, Bệnh viện TW 71 cho biết, DHA là tên viết tắt của Docosa Hexaenoic Acid, một axit béo thuộc nhóm omega-3. Người dân đã quen với chất omega-3 trong các thông tin quảng cáo dược phẩm nhưng không biết mối liên hệ giữa DHA và omega-3. Rất nhiều người vì thế cho con bổ sung lẫn lộn, chồng chéo các sản phẩm dẫn đến quá dư thừa.
Khi phân tích cấu trúc của não, các nhà khoa học thấy nó nằm trong thành phần cấu trúc màng tế bào thần kinh, do đó DHA được gọi là "gạch xây cho não người". DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) của não và trong võng mạc (tổng chỉ huy sự nhìn của mắt). DHA tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác.
Tuy nhiên, không phải DHA tổng hợp không có tác hại đối với cơ thể. DHA là axit béo chưa no khi chuyển hóa DHA cơ thể sẽ dễ sản sinh ra các gốc tự do gây lão hóa, xơ vữa động mạch… Một số trẻ không được sử dụng đúng DHA có thể gặp chứng rối loạn chuyển hóa, gây béo phì. Do đó không phải cứ dùng càng nhiều càng tốt.
Không nhất thiết phải dùng dạng công nghiệp
Tất cả các thành phần được các nhà sản xuất nói là bổ sung trong sản phẩm, thực chất đều có trong thực phẩm tự nhiên. Nếu phụ huynh cho con ăn đa dạng các nhóm chất thì vừa cung cấp đủ DHA cho cơ thể vừa có mặt của các chất chống ôxy hóa thiên nhiên, giúp tránh các bệnh lão hóa sớm. DHA và ARA có nhiều trong sữa bò tươi hoặc các thức ăn thông thường khác trong cơm, rau, cá, thịt, dầu ăn....
Những thực phẩm công nghiệp từ sữa bột công thức, bột dinh dưỡng… cũng có cái tốt của nó như cân bằng dưỡng chất, đảm bảo vệ… nhưng thường được cường điệu hóa với các chất bổ sung như taurine, DHA, axit béo omega-3… Thật ra những chất này cũng có trong các thực phẩm truyền thống nêu trên.
Thực chất càng ngày càng cho thấy tại Hoa Kỳ cũng như các nước phát triển khác ở châu Âu, người dân vì đời sống công nghiệp bận rộn, thường xuyên dùng thực phẩm công nghiệp nên trẻ nhỏ mắc thừa cân, béo phì tăng nhanh.
Ảnh minh họa
Muốn con thông minh phải dùng đúng
Theo Thạc sĩ Thịnh khuyên, khi cho trẻ ăn thêm các loại sữa, thực phẩm dinh dưỡng có bổ sung thêm thành phần omega-3 hoặc DHA, các bà mẹ cần chú ý sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo. Và dù thế nào thì cũng không nên kỳ vọng quá lớn vào những lời quảng cáo mà cần chú ý một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ thành phần và một môi trường giáo dục tốt giúp trẻ hoàn thiện nhân cách và trí thông minh.
Nguồn cung cấp DHA cho trẻ cần phải được đầy đủ từ khi là bào thai. Nên khi mang thai các bà mẹ cần ăn nhiều cá, nhất là cá ba sa, cá ngừ, cá thu và dầu thực vật. Những thực phẩm vừa kể là nguồn omega-3 thiên nhiên quan trọng giúp đưa DHA vào bào thai. Sữa mẹ cũng có nhiều chất DHA. Khi trẻ ra đời nếu được bú mẹ thì nguồn DHA trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt hơn rất nhiều so với việc bổ sung từ các nguồn khác, vì cơ thể trẻ không có khả năng chuyển từ tiền tố DHA thành DHA.
Đến 6 tháng, bé có thể ăn dặm. Thức ăn dặm tốt nhất cho bé giai đoạn này là sữa bò (sữa tươi tiệt trùng hoặc sữa bột công thức...). Cần cho thêm vào mỗi bình sữa 1 muỗng cà phê dầu ăn (dầu mè, hoặc dầu phộng, dầu nành, hướng dương) để có thêm đủ các acid béo thiết yếu linoleic, linolenic (còn gọi là acid béo omega 3, omega 6 - ARA&DHA) cho sự phát triển trẻ con.
Hàm lượng DHA cho trẻ:Đối với trẻ sơ sinh (0-12 tháng): DHA cần là 17mg/100kcal và ARA là 34mg/100kcal. Đối với trẻ nhỏ (1-6 tuổi): từ 75mg/ngày (tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ).
DHA phải tỷ lệ chuẩn với ARA:Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, bổ sung DHA và ARA cần theo một tỷ lệ hợp lý. Tỷ lệ DHA/ARA nên là 1/2. Đây là tỷ lệ giống với sữa mẹ. Do đó, nếu bạn cho con dùng sữa ngoài, thì nên xem xét cả tỷ lệ này trước khi mua.